Những góc tối nguy hiểm của hồ sơ Panama

Thứ năm, 14/04/2016, 09:50
Mosscak Fonseca chắc chắn đã hợp tác với 36 cá nhân hay doanh nghiệp nằm trong danh sách đen của Mỹ. Đó là những kẻ khủng bố, các cường quốc hạt nhân hay bọn buôn lậu vũ khí và ma túy.

Vụ bê bối hồ sơ Panama mới được phanh phui đã khiến cả thế giới rúng động vì có rất nhiều chính trị gia và nhân vật nổi tiếng có dính líu đến công ty luật Mossack Fonseca. Tuy nhiên, tài liệu này còn là một tiếng chuông cảnh báo về những hậu quả chết người khi mà các lực lượng tài trợ cho khủng bố, các cường quốc hạt nhân và bọn buôn lậu vũ khí cũng có thể đã là khách hàng của văn phòng luật tại Panama này.

Vào một buổi sáng trời nắng đẹp giữa năm 2014, ở thành phố Aleppo (Syria), có hai người đàn ông trung niên đang ngồi đàm đạo bên tách cà phê. Tuy nhiên Sabri Wahid Asfur và người bạn Abu Yassin vẫn luôn để mắt đến mọi thứ xung quanh.

Bỗng nhiên có một vài quả bom nổ tung trên không trung. Đá và gạch đổ nát bay xuống dưới đất. Một vài giây sau bom nổ. Hàng chục ngàn mảnh vụn kim loại bay tung toé. Ngay lập tức người ta nhận ra rằng các vụ đánh bom chỉ có một mục đích duy nhất: gây thật nhiều tổn thất.

Khi khói bốc lên, Asfur đi tìm Abu Yassin. Asfur nhớ lại: "Khi có thể nhìn trở lại, mắt tôi hướng về bạn mình. Cơ thể bạn tôi đã bị xé ra từng mảnh. Cậu ấy đã trút hơi thở cuối cùng".

Kể từ khi đất nước Syria lâm vào nội chiến vào tháng 3/2011, chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad đã để xảy ra hàng trăm cuộc ném bom như vậy. Hệ quả là hàng nghìn người dân thiệt mạng.

Theo giới chức Mỹ, những cuộc oanh tạc trên không gây thương vong không bao giờ có thể thực hiện được nếu không có mạng lưới các doanh nghiệp đã phớt lờ các lệnh cấm vận quốc tế. Làm thế nào chính quyền Syria có thể có được dầu và khí đốt để duy trì hoạt động của các máy bay trên bầu trời?

Ba công ty theo nguồn tin của Mỹ đã cung cấp nhiên liệu cho chính quyền Assad đều là khách hàng của Mossack Fonseca. Văn phòng luật có trụ sở ở Panama này đã giúp đỡ các doanh nghiệp này thành lập các công ty ở Seychellen, thiên đường thuế ở Ấn Độ Dương.

Ngay sau khi chính quyền Mỹ đưa ba doanh nghiệp này vào danh sách đen những công ty đã hỗ trợ bộ máy chiến tranh ở Syria, Mossack Fonseca chắc chắn vẫn tiếp tục làm việc cho một trong ba công ty này. Công ty luật này cũng đã tiếp tục tiếp tay cho hàng chục các doanh nghiệp và cá nhân khác mà Mỹ đã tuyên bố lệnh trừng phạt.

Mossack Fonseca có trụ sở chính tại Panama và đồng thời có chi nhánh trên khắp thế giới. Theo kết quả điều tra của Tờ báo miền nam Đức và Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ), Mosscak Fonseca chắc chắn đã hợp tác với 36 cá nhân hay doanh nghiệp nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Các tài liệu bị rò gì cho thấy Mossack Fonseca đã nhiều năm trời kiếm tiền thông qua việc thành lập các công ty ma được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động khủng bố và chiến tranh ở Trung Đông, hoặc phục vụ cho các trùm ma tuý ở Mehico, Guatemala và Đông Âu cũng như các đế chế hạt nhân (như Iran và Bắc Triều Tiên) và bọn buôn bán vũ khí ở Nam Phi.

Tiếp nhiên liệu cho chiến tranh

Năm 2014 Mỹ đã ban hành một loạt lệnh trừng phạt. Qua đó, các công dân Mỹ không được phép giao dịch với các doanh nghiệp hay các cá nhân bị tình nghi hỗ trợ cho chính phủ Syria.

Một trong các doanh nghiệp bị tình nghi đó là Pangates International Corporation Limited, chuyên về các sản phẩm dầu có trụ sở chính ở các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Công ty này trên mười năm qua đã là khách hàng của Mossack Fonseca.

Năm 2014, Mỹ đã đưa Pangates vào danh sách đen, buộc tội công ty này đã cung cấp nhiên liệu cho các máy bay quân sự của chính quyền Syria.

Pangates là đơn vị thành viên của tập đoàn Abdulkarim, một doanh nghiệp của Syria có trụ sở chính ở Damascus. Mỹ cũng đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với hai khách hàng khác của Mossack Fonseca có thể đã có các mối quan hệ với Abdulkarim là Maxima Middle East Trading và Morgan Additives Manufacturing.

Bên cạnh đó, hai công dân Syria còn có quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp nằm trong danh sách đen của Mỹ. Đó là Ahmad Barqawi, chủ tịch công ty Maxima và Wael Abdulkarim, người đứng đầu công ty Pangates. Theo Washington, Wael Abdulkarim đã dàn xếp việc cung cấp dầu và nhiên liệu máy bay cho Syria.

Vào tháng 6/2014, Pangates, Maxima và tập đoàn Abdukaril, theo nguồn tin của Mỹ, đã hợp tác cùng với một công ty dầu và khí đốt của Nga để có đủ nguồn dầu cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của chính phủ Syria.

Cho đến nay công ty Morgan Additives Manufacturing vẫn quả quyết cho rằng họ đã bị oan uổng khi nằm trong danh sách đen của Mỹ. Người đại diện của Công ty này cho ICIJ biết: "Barqawi rời bỏ công ty trước khi lọt vào danh sách đen của Mỹ và Wael Abdulkarim đã từ chức khi lệnh trừng phạt được đưa ra. Hiện nay Wael Abdulkarim không phải là chủ sở hữu Morgan Additives và ông ta không nắm quyền quản lý công ty".

Theo các tài liệu rò gỉ mà ICIJ có thể tiếp cận, Pangates đã trở thành khách hàng của Mossack Fonseca vào năm 1991. Khi đó, văn phòng luật sự này đã mở một công ty cho Pangates ở Niue, một hòn đảo ở Polynesië. Sau khi các nhà chức trách thuộc quần đảo này buộc tội Mossack Fonseca rửa tiền, công ty của Pangates đã được chuyển đến Samoa và năm 2012 được chuyển đến Seychellen.

Chín tháng sau khi Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt Pangates, công ty này vẫn là khách hàng của Mossack Fonseca. Vào tháng 8/2015, hơn một năm sau khi Washington công bố lệnh trừng phạt Pangates, Mossack Fonseca thừa nhận rằng Pangates nằm trong danh sách đen.

'Bắt tay' với cháu của Tổng thống Assad

Các tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca cũng cho thấy rõ rằng văn phòng luật này đã hợp tác với Rami Makhlouf, cháu của kẻ độc tài Bashar al-Assad. Đầu năm 2008, Mỹ đã gọi Makhlouf là 'tay trong của chính quyền Assad' và cho rằng y 'đã trục lợi một cách không chính đáng và có dính líu đến hoạt động tham nhũng của chính phủ Syria'. Mỹ đã phong toả tất cả các tài sản của Makhlouf ở Mỹ và cấm các công ty và các công dân Mỹ cộng tác với tên này.

Trong các tài liệu của Mossack Fonseca có đoạn ghi rằng Makhlouf nằm trong danh sách trừng phạt song đã từ lâu y là khách hàng của Mossack Fonseca. Năm 2010 có một vài sự thay đổi. Khi đó các hòn đảo Maagden của Anh điều tra thông tin về Drex Technologies, một công ty của Makhlouf do Mossack Fonseca thành lập trước đó 10 năm.

Theo các tài liệu Panama, có sự chia rẽ trong nội bộ Mossack Fonseca. Một số người muốn ngay lập tức cắt đứt các mối quan hệ với Makhlouf, trong khi những người khác hy vọng có thể tiếp tục giữ y là khách hàng vì đó chỉ là những tin đồn và người này không bị điều tra cũng như không chính thức bị buộc tội. Cuối cùng Mossack Fonseca đã chấm dứt các mối quan hệ với Makhlouf.

Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích