Mẹ bầu ngon giấc mỗi tối bằng thảo dược ngâm chân dễ kiếm

Chủ nhật, 17/04/2016, 22:40
Bà bầu Nguyễn Thị Ngọc Hân ở TP.HCM ngâm chân với bã trà, muối, gừng, chanh và sả để có giấc ngủ thẳng tới sáng.    

Ngọc Hân cho hay các mẹ bầu từ tháng 7 trở đi sẽ có dấu hiệu chân bị phù nề (nhiều người sẽ bị sớm hơn tuỳ cơ địa) vì nhiều nguyên nhân khác nhau như tăng cân nhiều, cộng thêm ăn mặn, ít vận động, ngồi lâu và ngồi nhiều.

"Theo Hiệp hội mang thai Mỹ, cơ thể phụ nữ có bầu tạo ra máu và dịch nhiều hơn khoảng 50 phần trăm so với trước khi mang thai. Một số chất lỏng này tích tụ ở bàn chân và mắt cá chân, một tình trạng phổ biến được gọi là phù nề", Hân chia sẻ.

Sau khi đi máy bay về, vì ngồi nhiều nên mu bàn chân cô có hiện tượng phù nề nhẹ nhưng không ảnh hưởng đến sinh hoạt. Một số mẹ bầu bị nặng có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển. Hân thấy hiện tượng phù nề giảm hẳn sau khi tập thể dục. Mang thai gần 8 tháng, cô thường ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ. Việc này theo cô "cực kỳ có ích" cho các mẹ bầu, đặc biệt ở tam cá nguyệt thứ ba. Ngâm chân giúp giảm tình trạng sưng và căng thẳng ở bàn chân.

Trước khi áp dụng phương pháp trên, Hân tìm hiểu cả Đông lẫn Tây y. "Chân là gốc của cơ thể. Bàn chân có đến 60 huyệt đạo quan trọng. Ngâm chân đúng cách và thường xuyên không chỉ tốt cho đôi bàn chân mà còn tác dụng đến cả cơ thể. Chân thường xuyên tiếp đất, trong khi đất thuộc âm, lại thêm sự ẩm ướt từ môi trường sẽ làm cho âm càng tăng, trở thành âm tà là nguyên nhân gây ra các bệnh đau nhức xương khớp", bà bầu xinh đẹp nói.

Trong Tây y, bàn chân là "trái tim thứ hai" chứa nhiều đầu mút thần kinh, phản xạ đến vỏ đại não. Chăm sóc đôi bàn chân làm tăng tuần hoàn máu, giúp cơ thể khỏe mạnh.

me-bau-ngon-giac-moi-toi-bang-thao-duoc-ngam-chan-de-kiem

Khi thai được gần 8 tháng, Hân bắt đầu ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ. Nhờ đó, cô ngủ thẳng giấc và ban đêm không dậy đi vệ sinh nhiều như các bà bầu thường gặp.

Phương pháp ngâm chân Ngọc Hân hay áp dụng gồm các thành phần sau:

1. Bã trà

2. Một muỗng muối hột. Ngâm chân với muối đặc biệt hữu ích cho phụ nữ mang thai vì muối điều chỉnh hơn 300 phản ứng sinh hóa, các phụ tá của cơ bắp và chức năng thần kinh, giữ cho xương chắc khỏe và hỗ trợ hệ thống miễn dịch

3. Xả tươi (đập dập khoảng ba nhánh), gừng tươi một nhánh (giã ra) hoặc cắt thành lát (ngâm lâu hơn cho ra chất), chanh một trái (cắt nhỏ ra)

Cách làm: Đổ trà vào nước đun sôi. Sau đó trộn các thành phần còn lại vào thau gỗ hoặc inox (không nên dùng thau nhựa vì có thể ra các tạp chất không tốt. Đợi khoảng 10-15 phút cho các thành phần hoà lẫn vào nhau. Pha thêm với nước lạnh (sờ vào vừa đủ ấm là được) rồi cho chân vào ngâm. Chuẩn bị khăn để lau chân.

Lưu ý:

1. Phụ nữ mang thai chỉ nên ngâm chân ở nhiệt độ vừa phải, không nên ngâm với nước quá nóng, dưới 37 độ C là tốt nhất. Nước quá nóng có thể làm tăng nhiệt độ, tăng nhịp tim và làm giảm lưu lượng máu đến em bé.

2. Ngâm bàn chân khoảng 15-20 phút là được (không ngâm quá 30 phút) và nước phải ngập trên cổ chân. Ở cổ chân có ba đường kinh dương, ba đường kinh âm. Phải để nước ngập cổ chân để thuốc tác động lên các huyệt làm khí huyết trong kinh mạch này lưu thông, từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể.

me-bau-ngon-giac-moi-toi-bang-thao-duoc-ngam-chan-de-kiem-1

Mẹ bầu xinh đẹp tận hưởng cuộc sống thoải mái suốt thai kỳ.

Công dụng tuyệt vời của việc ngâm chân với phụ nữ mang thai:

1. Giảm phù nề một cách rõ rệt

2. Giảm mất ngủ: Nước ấm, muối, bã trà, các thành phần trên sẽ kích thích các đầu mút thần kinh ở bàn chân. Trong khi ngâm, việc xoa bóp chân nhẹ nhàng sẽ tác động tích cực đến hệ thần kinh, kích thích tuần hoàn máu, khí huyết được điều hòa và cải thiện, giúp cân bằng cơ thể, cải thiện giấc ngủ.

3. Xóa tan mỏi mệt

4. Giảm đau do viêm khớp: Trong thành phần của muối có các cation (dương) và nation (âm) giúp cân bằng cơ thể. Khi kết hợp với nước nóng sẽ tác dụng đến các khớp xương theo cơ chế "nóng giãn, lạnh co cục bộ". Vì thế, nếu đang bị đau nhức các khớp xương, viêm dây thần kinh ngoại vi, nên sử dụng phương pháp này.

5. Giữ cho chân không bị lạnh: Khi thời tiết lạnh hoặc những người hay ngủ với điều hòa nhiều thường bị cóng chân. Việc này khiến bạn khó chịu, thậm chí mất ngủ vì bàn chân lạnh ngắt dù đã được cuộn trong chăn ấm. Hiện tượng tay, chân lạnh là do việc lưu thông máu không tốt vì chân là bộ phận xa tim nhất. Lúc này, bạn nên ngâm chân bằng nước ấm để thúc đẩy tuần hoàn máu giúp làm ấm cơ thể. Sau khi ngâm xong, nên lau khô và bọc chân trong khăn khô để chân luôn ấm.

6. Trị các bệnh ngoài da và khử mùi hôi chân

Với phụ nữ sau sinh, đây là thời điểm cơ thể đang yếu (theo cách nói của người xưa), dễ bị bệnh. Vậy nên, phụ nữ thường được khuyên đi tất suốt thời gian ở cữ (khoảng một tháng) cũng chính là nhằm giữ ấm đôi chân. Suốt 9 tháng 10 ngày và quá trình sinh nở làm cho phụ nữ hao tổn khí huyết. Ngâm chân chính là việc ôn ấm làm tăng dương khí. Khí huyết lưu thông điều hòa giúp lục phủ ngũ tạng, cân cơ não bộ được nuôi dưỡng đầy đủ, nhờ đó mà cơ thể khỏe mạnh. Ngâm chân xong thường mang lại cảm giác rất khoan khoái, dễ chịu, tạo giấc ngủ sâu.

Ngoài ra, các mẹ bầu nên hạn chế ngồi một chỗ, cố gắng đi bộ, vận động nhiều để tuần hoàn máu tốt hơn và nên kê gối cao dưới chân khi ngủ, sáng mai dậy sẽ thấy chân giảm phù hẳn.

Theo Ngoisao.Net

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích