Ảnh minh họa. |
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi. Khi Trung Quốc càng trỗi dậy mạnh mẽ thì mâu thuẫn và cạnh tranh trong quan hệ hai nước lớn này càng lớn.
Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng ta cần tìm hiểu cách nhìn nhận môi trường quốc tế và hình thành chính sách của hai nước lớn, đặc biệt là Mỹ. Chúng ta nên tập trung vào chiến lược của Mỹ. Bởi vì, Mỹ là cường quốc có sức mạnh quân sự và kinh tế vượt trội cũng như ảnh hưởng chính trị lớn trên thế giới, chính sách của Washington sẽ có thể tác động mạnh mẽ tới những hành xử của Bắc Kinh trong thời gian tới.
Bốn chiến lược cốt lõi
Mỹ ở thế chủ động hơn bất cứ quốc gia nào khác để xác định và thực hiện chiến lược theo ý muốn và sự lựa chọn chính sách của nước này ảnh hưởng lớn tới tương lai châu Á. Hiện nay, Mỹ có thể lựa chọn một trong bốn chiến lược đối ngoại bao gồm: Chủ nghĩa biệt lập (isolationism), cân bằng bên ngoài (offshore balancing), can thiệp có chọn lọc (selective intervention) và thống trị thêm khu vực (extraregional dominance).
Nếu Mỹ lựa chọn chủ nghĩa biệt lập, nước này phải từ bỏ hoàn toàn sự can thiệp an ninh bên ngoài biên giới Mỹ. Tuy nhiên, lựa chọn này gần như không khả thi với hoàn cảnh của Mỹ thời điểm hiện tại vì Mỹ là cường quốc lớn nhất của thế giới và có trách nhiệm bảo vệ các đường giao thông trên biển, nhằm đảm bảo trật tự kinh tế quốc tế.
Mặc dù vậy, chủ nghĩa biệt lập cũng đang khá phổ biến trong tư duy của công chúng Mỹ, do đó, nó có thể ảnh hưởng tới chính sách trong tương lai của nước này. Lý lẽ bảo vệ chủ nghĩa biệt lập đang dần trở nên thuyết phục đối với nhiều người Mỹ. Theo đó, Mỹ được bảo vệ bởi hai đại dương và sở hữu một năng lực quốc phòng vững chắc, bao gồm cả sức mạnh hạt nhân. Vậy nên không có lí gì Mỹ phải tốn sức chuyển những nguồn lực quý giá đó ra khỏi đất nước và hướng tới gìn giữ hòa bình ở những khu vực xa xôi.
Đối với lựa chọn chiến lược thứ hai – cân bằng bên ngoài, vốn được các học giả nghiên cứu quốc tế thường xuyên đề cập tới, nếu Mỹ áp dụng chiến lược này, Washington sẽ từ bỏ can thiệp bằng quân sự khỏi một số khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, Mỹ vẫn phải duy trì hoạt động quân sự tại một số khu vực hay xảy ra bất ổn như châu Âu, Đông Á hay Trung Đông.
Những người ủng hộ chiến lược cân bằng bên ngoài tin tưởng rằng Mỹ nên can thiệp có chừng mực vào các vấn đề quốc tế và tập trung vào nỗ lực ngăn cản xu hướng bá quyền ở một số khu vực trên toàn cầu.
Lựa chọn thứ hai có nhiều điểm tương đồng với cách tiếp cận chiến lược thứ ba – can dự chọn lọc. Theo chiến lược can dự chọn lọc, Mỹ cần phải linh hoạt, chủ động để duy trì hòa bình và ngăn chặn xu hướng bá quyền tiềm năng ở châu Âu, Đông Á hay Trung Đông và gần như không can thiệp trực tiếp vào các khu vực khác.
Song hai cách tiếp cận này cũng có điểm khác biệt, chính sách can dự chọn lọc đòi hỏi Mỹ phải duy trì một sự hiện diện an ninh, quân sự mạnh mẽ và tích cực ở nước ngoài mà cụ thể là các khu vực trên, thay vì chỉ đơn thuần dựa vào các đối tác hay đồng minh khu vực nhằm hiện thực hóa mục tiêu.
Chiến lược thứ tư và là lựa chọn cuối cùng của Mỹ - bá quyền thêm khu vực - được so sánh như là một chiến lược thống trị toàn cầu hoặc ngăn chặn tấn công. Cốt lõi của chiến lược này đó là Mỹ sở hữu cả quyền cũng như trách nhiệm để can thiệp vào các vấn đề, khẳng định lợi ích của mình trên toàn cầu. Quyền và trách nhiệm của Washington thể hiện ở mọi khu vực, trong các cuộc xung đột, kể cả khi các cuộc xung đột này không đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia của Mỹ.
Trong những thập kỷ qua, Mỹ đã sử dụng chiến lược thứ tư tương đối rõ ràng thông qua việc thể hiện lập trường tại các tổ chức quốc tế cũng như cách sử dụng quân đội. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, cách tiếp cận tương đối khả thi này đã hình thành xương sống cho chính sách đối ngoại của Mỹ.
Duy trì cách tiếp cận “xương sống”
Các lựa chọn chính sách của Washington đã khá rõ nhưng vẫn rất khó để dự đoán chính xác chiến lược đối ngoại mà Nhà Trắng sẽ triển khai trong thời gian tới. Khi chính sách của Mỹ tác động trực tiếp tới chính sách và hành xử của Trung Quốc, một số kịch bản có thể xảy ra.
Tổng thống Barack Obama (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tháng 11/2015. (Nguồn: AP) |
Trong ngắn hạn, nếu Mỹ áp dụng chiến lược thứ nhất hoặc thứ hai, có thể tạo cho Trung Quốc một môi trường quốc tế khá “thoải mái” để nước này an tâm giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước, giảm nguy cơ Trung Quốc sẽ áp dụng một chính sách an ninh cứng rắn trong khu vực. Kịch bản này cũng sẽ làm dịu cảm giác bất an của Bắc Kinh trước nỗi lo Washington sẽ tăng cường sức mạnh hải quân và sẽ khiến Bắc Kinh hành xử “mềm” hơn trong tranh chấp chủ quyền với các nước khu vực như Nhật Bản hay Philippines.
Nhưng xét dài hạn trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm tới, nếu Mỹ thực hiện hai chiến lược này, Trung Quốc sẽ có thời gian chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để phát triển lớn mạnh hơn và sẽ đe dọa tới lợi ích của Mỹ.
Tiếp theo, nếu Washington chọn áp dụng chiến lược thứ ba, thứ tư - đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tích cực và đẩy mạnh hơn sự hiện diện quân sự trong khu vực châu Á và trên thế giới. Điều này có thể khiến Bắc Kinh gặp khó khăn về cả kinh tế và chính trị, từ đó có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh với Washington.
Đồng thời, kịch bản này cũng sẽ tăng nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai nước và có khả năng dẫn tới đối đầu mở giữa hai cường quốc với sự tham gia của các quốc gia ủy nhiệm như Triều Tiên, các quốc gia ở Đông Nam Á hoặc Trung Á.
Với vị thế của Mỹ trên trường quốc tế kể từ sau Chiến tranh Lạnh, có lẽ Mỹ sẽ tiếp tục lựa chọn cách tiếp cận thứ tư bởi lẽ một nước Mỹ không còn tích cực trên trường quốc tế có thể tạo đà cho một Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và thể hiện quyết đoán hơn. Rõ ràng, đây là điều Mỹ vô cùng lo lắng.
Theo Thế giới và Việt Nam