Những tuyên bố của các bộ trưởng làm nức lòng người dân |
Gần đây, một số tân Bộ trưởng có nhiều “tuyên ngôn” cho nhiệm kỳ của mình khiến người dân hy vọng vào một thế hệ Bộ trưởng nhiệm kỳ mới. Song, có lẽ tuyên bố trên của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa là một trong những “tuyên ngôn” làm người dân vui nhất.
Vui bởi nếu Bộ trưởng làm được chỉ riêng điều này thôi, sẽ xóa đi những điều tiếng của một ngành mà dư luận luôn lo sợ rất nhiều ở khâu tham nhũng, lãng phí. Mà việc lo ngại là một thực tế bởi những vụ tham nhũng lớn như PMU 18, Hành lang Đông – Tây, Vinashin, Vinalines… đã khiến nền kinh tế đất nước lao đao.
Thế mà giờ đây, vị Bộ trưởng ngay những ngày đầu nhậm chức đã nói một cách rất thẳng tưng: “Trong công tác đầu tư, chúng tôi sẽ giữ nguyên tắc là chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc đầu tư”.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nghĩa còn nhấn mạnh bằng câu “tôi xin nhắc lại”: “Tôi xin nhắc lại là chúng tôi sẽ tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân, không đầu tư dàn trải, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư hạ tầng giao thông bằng mọi giá”.
Riêng những câu này, người dân không thể không “nức lòng, nức dạ”.
Tuy nhiên, việc “tiết kiệm từng đồng thuế của dân” còn cần thời gian để kiểm chứng. Có lẽ điều người dân mong mỏi nhất lúc này và cũng đang gây bức xúc dư luận, đó là việc tăng phí ở nhiều tuyến đường.
Cũng xin nói rõ rằng người dân hiểu rất rõ giá trị của những tuyến đường tốt mang lại cho họ những gì và cũng không ai có ý nghĩ rằng muốn đi đường đẹp lại không muốn bỏ tiền. Điều người dân mong muốn, đó là nó xứng với “đồng tiền, bát gạo” bỏ ra.
Tiền lệ phí tăng cũng phải đồng nghĩa với đường đẹp và không ách tắc. Đặc biệt là không thể để tình trạng đầu tư BOT tràn lan và thu tiền “tùy hứng” kiểu biến đường công thành… đường ông.
Gần đây qua báo chí, dư luận bức xúc khi có quá nhiều trạm thu phí bất hợp lý.
Ví dụ đoạn từ quận Cái Răng đến Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (Cần thơ – Phụng Hiệp ) với khoảng cách khoảng 5km nhưng đóng phí 200.000 đồng/xe/lượt. Khi quay xe về cũng với khoảng cách trên lại tốn thêm 200.000 đồng nữa. Như vậy chỉ có 10km nhưng lại tốn đến 400.000 đồng/cho 1 chuyến đi về.
Điều đáng lưu ý, đây là đường của Nhà nước đã có sẵn, doanh nghiệp đầu tư vào sửa chữa, nâng cấp thôi nhưng thu phí quá cao, không hợp lý.
Trên tuyến Thái Bình – Hà Nội chỉ có khoảng 100km nhưng cũng có đến 4 trạm thu phí với mức giá lần lượt là 30 – 45 – 20 và 35 ngàn đồng. Trong khi theo qui định, khoảng cách giữa hai trạm thu phí là 70km thì trạm thu phí TP.Nam Định cách trạm thu phí đầu cầu Tân Đệ chỉ chưa đầy 10km. Riêng đoạn từ Pháp Vân về Cầu Giẽ là đường tôn tạo mức giá cũng cao như ở đường mới mở…
Cũng mong rằng tân Bộ trưởng không có sự so sánh quá khập khiễng như người phụ tá - ông Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khi ông Trường nói: “Đầu tư các dự án BOT với số tiền lớn nhưng mức thu phí tại Việt Nam tính trên một km hiện đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á và cũng thấp hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Như tại Trung Quốc, trung bình là 1 NDT (khoảng 3.300 đồng/km), tại các nước châu Âu khoảng 0,5 USD/km, còn Việt Nam mức trần là 2.000 đồng/km”
Trở lại với tuyên ngôn nức lòng của tân Bộ trưởng Nghĩa, người xưa có câu: “Khởi từ lời nói”. Đây cũng là nhưng trăn trở đầu tiên của tân Bộ trưởng.
Mong rằng Bộ trưởng hãy “nói đi đôi với làm”, làm một cách quyết liệt để “từng đồng tiền thuế của nhân dân” được đầu tư hiệu quả, tránh tham nhũng, lãng phí, đầu tư không hiệu quả làm thất thoát.
Đặc biệt, không để tái diễn những Vinashin, Vinalines…
Xin chúc mừng ông!
Chúng tôi đang chờ đợi và hy vọng ông không để người dân… thất vọng!
Theo Dân Trí