Người Iraq bán nội tạng kiếm cơm

Thứ tư, 20/04/2016, 13:25
Om Hussein cũng giống như hàng triệu người Iraq khác, phải vật lộn với cuộc sống cho gia đình có 6 miệng ăn.
Oma Hussein, bà mẹ có 4 con, khóc vì không đủ sức nuôi sống gia đình. Ảnh: BBC

Theo BBC, Ali, chồng cô, vừa thất nghiệp vừa bị tiểu đường và bệnh tim. Om trở thành trụ cột gia đình suốt 9 năm qua, cố nuôi sống gia đình nhờ đi làm giúp việc nhưng giờ đây, cô cũng kiệt sức, không thể làm việc được nữa.

"Tôi mệt mỏi quá, chúng tôi không trả nổi thuê nhà, thuốc men, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho bọn trẻ", Om nói, ngồi trong phòng ngủ tạm bợ ở phía đông Baghdad.

Căn nhà dột nát sập xuống vài tháng trước, gia đình cô phải sống nhờ bạn bè và người thân cưu mang.

"Tôi làm đủ mọi nghề. Từ bán thịt, bốc vác thuê, nhặt rác. Tôi bảo con trai nhặt bánh mỳ người ta bỏ đi cho cả nhà ăn nhưng tôi không bao giờ xin ăn hay xin tiền", Ali nói thêm.

Trước cảnh nghèo túng, Om đành hy sinh thân thể, quyết định đi bán thận.

"Tôi quyết định đi bán thận", cô nói. "Tôi không thể làm việc gì nuôi sống gia đình nữa. Bán thận còn khả dĩ hơn là bán thân hay sống nhờ lòng thương hại".

Hai vợ chồng hỏi một tay buôn bán nội tạng chui để bán thận, nhưng xét nghiệm cho thấy, nội tạng của họ không đủ tiêu chuẩn cấy ghép. Thất vọng, hai vợ chồng nghĩ tới một giải pháp tuyệt vọng khác.

"Vì cơ thể cả hai đều không tốt, chúng tôi nghĩ đến việc bán thận của con trai", Ali nói, giọng run rẩy, tay chỉ vào đứa con trai 9 tuổi. "Chúng tôi sẽ làm bất cứ việc gì ngoài cầu xin lòng thương hại. Tại sao chúng tôi lại lâm vào hoàn cảnh này?"

Nhưng cuối cùng họ không bán thận con trai, vì chỉ nghĩ đến việc đó thôi đã làm tấm lòng bậc cha mẹ tan nát.

Ngành buôn bán nội tạng

Nghèo đói khiến buôn bán thận và nội tạng nổi lên ở Baghdad. Dân số Iraq khoảng 30 triệu người, 22,5% sống trong cảnh nghèo đói, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2014.

Các băng nhóm buôn nội tạng thường ra giá 10.000 USD cho một quả thận, coi đất nước nghèo này thành trung tâm buôn bán nội tạng mới ở Trung Đông.

"Hiện tượng này đang cực kỳ phổ biến, nhưng chính quyền lại không đủ năng lực xử lý", Firas al-Bayati, một luật sư nhân quyền cho biết.

"Trong ba tháng qua, tôi đã làm việc với 12 người bị bắt vì bán thận. Nghèo đói là nguyên nhân khiến họ làm việc đó".

"Hãy hình dung như sau: Một ông bố thất nghiệp không có tiền nuôi con đành hy sinh bản thân. Tôi coi đó là một nạn nhân và sẽ bảo vệ anh ta".

Ali thất nghiệp, bị tiểu đường và bệnh tim, muốn bán thận cũng không được vì không đủ sức khỏe. Ảnh: BBC

Chính phủ Iraq đã thông qua đạo luật mới chống nạn buôn bán người và nội tạng năm 2012. Theo luật mới, chỉ có người thân được phép hiến nội tạng cho nhau và theo thỏa thuận chung. Tuy nhiên, những kẻ buôn nội tạng thường làm giả giấy tờ tùy thân của cả người mua và người bán, làm cho họ có quan hệ máu mủ với nhau.

Hình phạt dành cho việc buôn bán nội tạng từ 3 năm tù giam tới tử hình, theo al-Bayaty, mà các quan tòa thì không cân nhắc đến yếu tố nghèo để giảm án.

"Làm giả giấy tờ tùy thân rất dễ. Tuy nhiên, chính phủ sẽ sớm đưa ra loại chứng minh thư nhận diện sinh trắc học mới, không thể làm giả",al-Bayaty nói.

Kinh doanh sai hướng

Phóng viên của BBCtrải qua rất nhiều khó khăn mới được cấp phép vào thăm một nhà tù ở Iraq, gặp một người đàn ông bị bắt vì buôn bán thận. Vượt qua nhiều cổng kiểm soát an ninh, họ gặp Mohammed. Có 10 người khác cũng bị kết tội buôn bán nội tạng bị giam ở đó.

"Lúc đầu tôi không có cảm giác tội lỗi", Mohammed nói, ông có hai đứa con.

"Tôi coi đó là việc làm nhân đạo. Tuy nhiên, sau vài tháng làm việc trong ngành này, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về tính đạo đức của nó, xuất phát từ điều kiện khốn khổ của người bán nội tạng. Tôi đau đớn khi nhìn thấy những người trẻ tuổi phải làm việc này vì tiền".

Mohammed bị bắt trước cổng một bệnh viện công ở Baghdad vào tháng 11/2015, sau khi một sĩ quan cảnh sát giả trang làm người mua.

Bác sĩ phẫu thuật ở Iraq thừa nhận không thể rà soát kỹ lưỡng từng hồ sơ cấy ghép thận. Ảnh: BBC

Phần lớn các ca ghép tạng bất hợp pháp được thực hiện ở bệnh viện tư, đặc biệt trong khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq, ông cho biết. Ở đó ít hạn chế hơn ở Baghdad.

Tuy nhiên, các ca ghép tạng vẫn có thể tiến hành trong bệnh viện công. Chính các bác sĩ phẫu thuật cũng thừa nhận, rất khó để rà soát hồ sơ từng ca ghép thận.

"Trên thế giới chẳng có luật nào quy định phẫu thuật viên phải chịu trách nhiệm việc này",Rafed al-Akili, một bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm Cấy ghép và Bệnh Thận ở Baghdad cho biết.

"Trên thực tế, chúng tôi có nghi ngờ một số vụ, nhưng không đủ để hủy bỏ ca phẫu thuật vì nếu không cấy ghép người bệnh sẽ chết".

Theo VNE

Các tin cũ hơn