Trung Quốc ngang nhiên biến đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này. Ảnh: CSIS. |
Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép; mới đây lần đầu tiên thừa nhận đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa?
Hiện có bốn “thùng dầu” đổ vào “lò lửa” sốt ruột của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông. Một là quyết định của Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc sắp được đưa ra, dự kiến muộn nhất là trong tháng 6. Hai là bầu cử quốc gia ở Philippines. Ba là Mỹ kiên quyết hơn trong việc phản đối Trung Quốc quân sự hóa biển Đông. Bốn là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Trung Quốc đang tìm cách hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản trên các đảo nhân tạo của nước này càng nhiều càng tốt, trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết và cũng để giành thế thượng phong chống lại các chiến dịch tự do hàng hải mà Mỹ thực hiện trên biển cũng như trên không. Khi ba sân bay, bến cảng và cầu tàu cùng với các hệ thống tình báo điện tử, radar của Trung Quốc đi vào hoạt động, nước này sẽ có thể nhanh chóng phản ứng đối với các chiến dịch của Mỹ. Các nhà ngoại giao nói rằng, Bắc Kinh coi bầu cử ở Philippines và Mỹ là cơ hội để ép lãnh đạo mới của hai nước này có chính sách dễ chịu hơn đối với Trung Quốc.
Ông có thể dự đoán về phán quyết của Tòa Trọng tài, phản ứng của Trung Quốc và Mỹ?
“Trung Quốc đang đặt nền móng cho việc thiết lập và thi hành Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Một ADIZ non trẻ đã thành hình. Người của Hải quân Trung Quốc, có mặt cả trên đá Chữ Thập và trên các tàu chiến, liên tục thách thức các chuyến bay của máy bay quân sự nước ngoài, bao gồm Philippines, Úc và Mỹ”. GS Carlyle Thayer - Học viện Quốc phòng Úc |
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các phán quyết của Tòa Trọng tài phải được thực hiện ngay lập tức và không có kháng cáo. Tuy nhiên, UNCLOS không có điều khoản nào về cách thức thực hiện các phán quyết của tòa.
Nếu Tòa Trọng tài ra quyết định ủng hộ Philippines về bất kỳ hoặc tất cả yêu cầu của nước này, Trung Quốc sẽ lập tức bác bỏ. Mỹ có thể sẽ mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn trong việc thể hiện cho Trung Quốc thấy “hậu quả” hành động của Trung Quốc. Mỹ cũng có thể cố gắng huy động cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEAN, để gây sức ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết.
Mỹ đang nỗ lực thành lập liên minh đa phương để phản đối Trung Quốc. Mỹ muốn nâng cấp hai liên minh “tam giác” của mình thành một “tứ giác” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Dù liên minh hùng mạnh này thành hình hay không, nhiều khả năng Mỹ sẽ khuyến khích các đồng minh Nhật Bản, Úc và đối tác chiến lược Ấn Độ kiên quyết hơn trong việc thực hiện tuần tra hải quân trên Biển Đông.
GS Carlyle Thayer - Học viện Quốc phòng Úc. |
Các siêu cường tăng cường tuần tra Biển Đông cũng sẽ gây khó cho ASEAN. Theo ông, ASEAN nên làm gì?
ASEAN sẽ bị đặt vào thế khó vì khối này từ lâu ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. ASEAN có thể mắc kẹt giữa hai làn đạn Trung Quốc và Mỹ khi căng thẳng biển đảo leo thang. ASEAN sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì nguyên trạng.
ASEAN nên tiếp tục cùng với Trung Quốc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách đầy đủ và nhanh chóng hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Các nhà quan sát am hiểu tình hình tin rằng, có thể hoàn tất COC sớm nhất là vào năm 2017. Trong khi chờ đợi, ASEAN nên ưu tiên hai vấn đề - định nghĩa quân sự hóa và khuyến khích minh bạch.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc lẫn nhau về việc quân sự hóa Biển Đông mà không chỉ rõ quân sự hóa nghĩa là gì. ASEAN nên để mạng lưới ASEAN ISIS (các viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược) ưu tiên định nghĩa quân sự hóa. Ví dụ, quân sự hóa có thể được coi là một chuỗi hoạt động từ việc cho đồn trú trên đảo, đá ngầm các nhân sự lực lượng vũ trang mặc quân phục tới việc chuẩn bị cho sử dụng lực lượng vũ trang trong một cuộc xung đột.
Khi đó, ASEAN sẽ ở trong vị thế tốt để kêu gọi Trung Quốc, Mỹ kiềm chế và hoãn triển khai một số loại vũ khí, hệ thống mang bản chất tấn công, như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu chiến, lực lượng tấn công đổ bộ…
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong