Axít: Muốn mua là có!

Thứ năm, 21/04/2016, 09:33
Axít bày bán tràn lan và công khai ở TP.HCM, khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng có

Sau sự việc 2 nữ sinh bị tạt axít trên đường phố ở quận Gò Vấp, TP.HCM vào cuối tháng 3-2016 khiến dư luận phẫn nộ, hầu hết các cửa hàng kinh doanh hóa chất ở TP đều dè dặt với người lạ khi hỏi mua axít.

Nhập hàng từ Trung Quốc

Qua một số lần tiếp cận, hầu hết các nhân viên cửa hàng đều lắc đầu từ câu hỏi đầu tiên. Khi phóng viên Báo Người Lao Động chìa ra thẻ sinh viên với lý do thực hành nghiên cứu, anh Tùng (38 tuổi, nhân viên một cửa hàng trên đường Tô Hiến Thành, quận 10) cười tươi phân bua: “Vụ nữ sinh bị tạt axít chưa lắng xuống nên tôi phải dè dặt một chút. Hết tháng mới bán bình thường trở lại. Sợ nhất trong thời gian dư luận quan tâm, cơ quan chức năng đến kiểm tra rồi phạt. Mệt mỏi lắm !”.

Một cửa hàng kinh doanh hóa chất giới thiệu cho phóng viên xem chai axít

Hiện cửa hàng của anh Tùng không dám mang axít ra trưng bày mà phải đem giấu ở kho gần đó. Anh ta hỏi ngược lại chúng tôi muốn mua axít thành phần bao nhiêu, nhiều hay ít. Nghe nói mua loại đậm đặc về pha chế làm thí nghiệm, anh ta dặn: “Coi chừng nó đổ ra ngoài thì chỉ có thúi da, thúi thịt. Gỗ với quần áo mà còn cháy bừng bừng kìa”.

Nhân viên cửa hàng hóa chất cho biết axít đang là mặt hàng bị cơ quan chức năng để ý, khoảng 1 tháng tới sẽ bán nhiều hơn

Dứt lời, Tùng gọi điện cho một nhân viên dẫn chúng tôi đi lấy hàng trong một con hẻm nhỏ gần đó. Nơi đây là một kho rộng chừng 40m2, chứa rất nhiều loại hóa chất khác nhau. Chúng tôi chỉ được phép đứng bên ngoài đợi. Một lúc sau, nhân viên này ôm một thùng nhựa 5 lít, không nhãn mác, bên trong là axít clohydric (HCl) ra bên ngoài. Theo yêu cầu, chúng tôi chỉ mua nửa lít nên anh ta vội chiết ra chai nước suối nhỏ với giá 25.000 đồng. Do bất cẩn, một chút axít đổ ra nền gạch nhà, chất này nhanh chóng kết tủa tạo nên một vết màu trắng khiến gạch bị bào mòn.

Chúng tôi lại tìm đến một cửa hàng khác có quy mô lớn hơn. Tại đây, dù thuyết phục là sinh viên mua phục vụ mục đích học tập, nhân viên lắc đầu nói: “Bây giờ mà bán ra là công an bắt”.

Tuy nhiên, sau mấy lần kỳ kèo, nhân viên này cũng gật đầu nhưng với điều kiện nếu có chuyện gì không được khai báo mua ở đây. Người này hét giá cao hơn cửa hàng trước gấp đôi, 50.000 đồng/nửa lít nhưng phải để lại CMND, số điện thoại. Vừa trao lọ hóa chất, anh ta chỉ bàn tay có vài chỗ bị bong tróc rồi dặn: “Cẩn thận một chút, chỉ hơi nó bốc lên cũng đủ khiến tay tôi như thế này đấy!”.

Tìm đến chợ Kim Biên (quận 5), chúng tôi hỏi liên tục 6 cửa hàng, nơi thì tỏ thái độ dò xét, chỗ ngó lơ, thậm chí có cửa hàng còn nặng lời. Không bỏ cuộc, chúng tôi vào cửa hàng trên đường Phan Văn Khỏe (bên hông chợ Kim Biên). Khi chúng tôi vừa hỏi mua 1 lít axít HCl, chủ cửa hàng dò xét: “Mấy cha ở công ty nào?”. Chúng tôi nói đại tên một công ty hóa chất đóng ở quận 12. Chủ cửa hàng tiếp tục truy vấn: “Có giấy tờ không, công ty gì mà mua có 1 lít vậy”. Chúng tôi vội trả lời: “Do làm hao hụt nên lén mua để đền bù”. Nghe có vẻ thuyết phục, chủ cửa hàng xởi lởi: “Phải hỏi kỹ, không thì gặp mấy cha mua đi trả thù ai rồi khai báo tui bán, mắc công đi tù chung”.

Vị chủ cửa hàng còn tiết lộ hầu hết nguồn hóa chất này được mua từ Trung Quốc dưới dạng thùng 50 lít, vận chuyển bằng đường hàng hải. Bán lẻ như vậy lời không bao nhiêu mà lại tốn công chiết nhỏ. Do thời gian này “nhạy cảm” nên giá axít hơi cao, 1lít 67.000 đồng.

“Dư luận đang quan tâm vụ tạt axít nữ sinh nên giờ bán hóa chất cho người lạ đều phải thận trọng. Sau một tháng nữa, mọi chuyện trôi qua thì mấy cậu muốn mua bao nhiêu tôi cũng có. Nếu được, về báo với công ty mua hàng ở đây, tôi lấy giá hữu nghị” - chủ cửa hàng mời mọc.

Pha 2 xô nước vẫn ăn mòn da

Mang những lọ hóa chất về nhà, chúng tôi liền kiểm chứng độ “sát thương” của nó. Việc thí nghiệm diễn ra đơn giản: đổ nửa chai nước suối chứa axít HCl vào một xô nước chừng 4 lít. Chúng tôi cắt nhỏ một lát thịt bỏ vào, chỉ chốc lát, miếng da ngoài đã bị bào mòn, tan rã. Thử giảm tỉ lệ axít xuống khi đổ thêm 1 xô nước nữa, ước chừng tỉ lệ nửa lít axít và 8 lít nước nhưng phần da của miếng thịt heo vẫn bị ăn mòn. Thử kiểm chứng trên vải, miếng mút như lời cảnh báo của người bán, chỉ mất 10-20 giây, tất cả teo nhỏ, bốc khói và trở thành nhúm tro màu đen.

Ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng BQL chợ Kim Biên, cho biết hiện nay, bên trong chợ có gần 20 sạp chuyên kinh doanh hóa chất, hương liệu. Nguồn hàng bên trong chợ được quản lý chặt chẽ theo danh mục của Bộ Y tế. Trong khi đó, xung quanh chợ đầy rẫy sạp buôn bán hàng không nguồn gốc, trong đó có axít độc hại. “Nhiều người nói đến hóa chất là nghĩ tới chợ Kim Biên nhưng thực tế, các cửa hàng kinh doanh buôn bán xung quanh đây không kiểm soát được” - ông Hiệp nhìn nhận.

Nhận định ông Hiệp là có căn cứ khi một cán bộ Sở Công Thương thừa nhận: “Mua gì cũng có, cần gì cũng được miễn sao có tiền. Những sản phẩm độc hại như axít và các hương liệu pha chế thực phẩm chỉ cần tìm khu vực quận 5 là có. Ban đầu, các cửa hàng “làm màu”, bảo không có hàng nhưng nếu trả giá cao là họ bán ngay”.

Vị cán bộ này cho rằng sự buông lỏng quản lý, phần nào mất kiểm soát đã dẫn đến tình trạng hóa chất bày bán tràn lan. Nếu sử dụng mục đích chính đáng thì chẳng sao nhưng để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, axít còn độc hại hơn cả súng đạn bởi người bị hại sống mà như chết.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn