Cá chết hàng loạt trên sông Cái Vừng. |
Trong khi hàng chục hộ dân nuôi cá trên sông Cái Vừng (ranh giới An Giang - Đồng Tháp) tán gia bại sản vì thiệt hại hơn 1.000 tấn cá và đổ lỗi do nhà máy xả thải thì cơ quan chức năng của 2 tỉnh đã có kết luận chính thức: Nhà máy này xử lý nước thải tuần hoàn và không xả ra môi trường. Các giải thích của địa phương hợp lý nên người dân chấp nhận. Đồng thời, 2 tỉnh cũng chi khoảng 4 tỷ đồng để hỗ trợ dân khắc phục hậu quả.
Ngày 29-4, ông Phạm Tấn Xiếu - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân chính thức khiến cả ngàn tấn cá chết trên sông Cái Vừng là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - El Nino.
Cụ thể, tại thời điểm cá chết, mực nước trên sông Cái Vừng giảm khoảng 30cm so với hàng năm. Trên đoạn sông dài chừng 2km, lượng bè nuôi nhiều, vị trí, khoảng cách các bè không đảm bảo, mật độ nuôi cao, lượng thức ăn dư thừa không được phân tán và pha loãng. Do nước cạn, tảo nở hoa, nền đáy ô nhiễm, tích tụ thức ăn dư thừa nhiều năm... dẫn đến nguồn nước khu vực bị ô nhiễm cao, gây hiện tượng thiếu oxy nghiêm trọng, làm cho cá chết trên diện rộng. Khi cá chết thì nước càng thiếu oxy dẫn đến chết theo hàng loạt cá.
Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã thống kê và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại 3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, tỉnh hỗ trợ người dân gần 1 tỷ đồng (do thiệt hại ít hơn An Giang)
Trước đó, hiện tượng cá chết hàng loạt tại các lồng, bè nuôi trên đoạn sông Cái Vừng xảy ra vào đầu tháng 2, ban đầu chết lai rai sau đó chết sạch. Theo thống kê, tổng cộng 37 hộ nuôi cá của huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị thiệt hại với 106 lồng, bè gồm các loại: Cá he, rô phi, điêu hồng, lăng nha, chép giòn… Ước số lượng cá chết là 394 tấn cá. Phía bờ nuôi của huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cũng bị thiệt hại khoảng 650 tấn cá (42 hộ nuôi với hơn 120 lồng, bè).
Theo NLĐ