Thủ tướng: Sẽ xóa bỏ cơ chế "xin - cho"

Thứ năm, 05/05/2016, 08:33
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Song song với việc phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho, Chính phủ sẽ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư, phát triển.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, trong phiên làm việc đầu tiên của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016 diễn ra ngày 4/5, Chính phủ đã thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016.

Quyết không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế

Sau khi nghe 28 ý kiến phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: "Chính phủ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ". Đồng thời Thủ tướng cũng khẳng định, song song với việc phải phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho, Chính phủ sẽ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư, phát triển.

Thủ tướng đánh giá, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, Chính phủ sẽ không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2016, quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,7%, kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Trên tinh thần này, Thủ tướng chỉ đạo, trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phải linh hoạt, hiệu quả; giảm dần lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2011-2015 và xây dựng Đề án cho giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng xử lý nợ xấu thực chất qua VAMC.

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ tăng cường chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; cơ cấu lại chi ngân sách gắn với đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, không để vượt trần. Quản lý chặt chẽ, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế đấu thầu và mua sắm công tập trung, có giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực từ tài sản công; xử lý nghiêm các vi phạm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, bộ ngành sớm hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn; rà soát quy trình và các dự án tài trợ từ nguồn ODA và vay ưu đãi, xem xét chuyển từ cơ chế cấp phát cho các địa phương sang cho địa phương vay lại nguồn vốn này.

Trước tình hình lạm phát có dấu hiệu quay trở lại, Thủ tướng cũng lưu ý, công tác điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế phải được thực hiện với mức độ và thời điểm phù hợp, không để tác động đến lạm phát.

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4

Cam kết cụ thể về cắt giảm thủ tục hành chính

Tại phiên họp này, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai ngay Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển theo tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới; có cam kết cụ thể về cắt giảm thủ tục hành chính và hoàn thiện bộ chỉ số để doanh nghiệp, người dân chấm điểm chính quyền...

Liên quan đến hiện tượng cá chết tại một số vùng biển miền Trung, Thủ tướng cho biết các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra, xác định nguyên nhân.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với các địa phương liên quan ngày 01/5/2016 để sớm có kết luận khách quan, khoa học nguyên nhân hải sản chết bất thường và công bố công khai. Đồng thời rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải; khôi phục, ổn định sản xuất; hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng; xử lý nghiêm các đối tượng gây rối an ninh trật tự.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn