Phóng viên VTV dàn dựng sai sự thật: Ai bồi thường tổn thất cho dân?

Thứ năm, 12/05/2016, 13:37
Trong lúc thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch đang bị nhiễu loạn, khiến không ít người tiêu dùng hoang mang thì clip dàn dựng của phóng viên VTV là khó thể chấp nhận.

Ngày 10/5, trên mạng xã hội facebook, youtube nhiều người dân ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá chia sẻ nhiều video clip phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam - VTV về địa phương xin lỗi người dân sau khi phát sóng phóng sự người dân dùng chổi quét rau giả sâu ăn để dễ tiêu thụ rau (phát trong chương trình Cà phê sáng trên kênh VTV3 sáng 4/5). Được biết, phóng sự này của VTV đã bị người dân nơi đây phản ứng mạnh mẽ. Họ cho rằng, phóng viên đã dàn dựng và cắt cúp đi những câu quan trọng làm sai lệch thông tin.

Phóng sự dùng chổi quyét rau, giả sâu ăn được phát trên VTV.

Tối 11/5, Ban sản xuất các chương trình giải trí (Đài truyền hình Việt Nam - VTV) đã có công văn gửi UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa và UBND xã Vĩnh Thành, sau khi nhà đài phát phóng sự "Cây chổi quét rau".

Công văn nêu rõ: Phóng sự "Cây chổi quét rau" trong chương trình Cà phê sáng với VTV3, phát sóng ngày 3/5 đã gây ra nhiều ý kiến không đồng thuận về nội dung.

Về phía lãnh đạo Ban biên tập, Ban Sản xuất các chương trình Giải trí cũng thừa nhận về lỗi sơ suất trong khâu kiểm duyệt nội dung trước khi lên sóng.

Căn cứ các vi phạm, Ban Sản xuất các chương trình Giải trí quyết định đình chỉ công việc đối với phóng viên tập sự Phạm Thị Phương và sẽ xem xét các mức độ kỷ luật trong thời gian sớm nhất.

Trong công văn của mình, lãnh đạo VTV3 cũng "gửi lời xin lỗi đến UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Thành và các cá nhân có trong phóng sự, đồng thời mong muốn nhận được sự thông cảm và chia sẻ về sự non kém trong trình độ tác nghiệp, đạo đức nghề báo của phóng viên tập sự Phạm Thị Phương cũng như việc thiếu sâu sát trong khâu kiểm duyệt của Ban biên tập trong sự việc này".

Chiều ngày 11/5, trao đổi với phóng viên, nhà báo Lại Văn Sâm - Trưởng bạn giải trí thông tin kinh tế Đài Truyền Hình Việt Nam cho biết: “Tôi chưa nắm được sự việc, khi về cơ quan tôi sẽ tìm hiểu về thông tin bạn cung cấp, hiện tại tôi chưa thể nói gì được vì tôi vừa đi công tác tại Tp. Hồ Chí Minh về”.

Trong lúc thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch đang bị nhiễu loạn, khiến không ít người tiêu dùng hoang mang thì clip dàn dựng của phóng viên VTV là khó thể chấp nhận. Việc đưa thông tin, dàn dựng clip sai sự thật đã khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ khi mà nguồn thu nhập chính của người nông dân là từ những ruộng rau.

Chia sẻ về trách nhiệm pháp lý của vụ việc này, trả lời báo điện tử Người đưa tin, luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng – Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng cho hay: “Có thể khẳng định những thông tin đưa sai sự thật từ phóng sự ‘Cây chổi quét rau’ trong chương trình Cà phê sáng của VTV3 đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Người dân có quyền yêu cầu phía VTV bồi thường thiệt hại và danh dự. Việc xác định thiệt hại do người dân định lượng và đây là những thiệt hại thực tế.

Mặc dù người làm clip là phóng viên Phạm Thị Phương, nhưng VTV3 đã sơ suất trong khâu kiểm duyệt và đây là chương trình của VTV nên VTV phải là chủ thể chịu trách nhiệm. Trong trường hợp VTV không chịu bồi thường thì người dân có quyền làm đơn kiện ra Tòa án để được giải quyết.

Ngoài việc bồi thường tiền, người dân còn có quyền yêu cầu phải công khai xin lỗi đính chính về clip trên VTV3 và báo đài địa phương”.

Luật sư Nguyễn Thị Cúc - Công ty luật TNHH Sao Việt đưa ra quan điểm về vụ việc như sau: “Với thông tin báo chí phản ánh về vụ việc chúng tôi hiểu rằng phóng sự "Cây chổi quét rau" trong chương trình "Cà phê sáng với VTV3" phát sóng ngày 3/5/2016 đã có những nội dung phản ánh thiếu chính xác, đưa thông tin sai sự thật là đã vi phạm Điều 10 Luật báo chí năm 1989.

Nếu những thông tin sai sự thật đó của Cơ quan báo chí mà xâm phạm đến lợi ích của bà con nông dân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999: “….Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự”.

Bên cạnh đó, Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, "Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường….”

Theo luật sư Nguyễn Thị Cúc thì việc xác định thiệt hại sẽ bao gồm: các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút… (theo quy định tại điều 611 Bộ luật dân sự 2005)

Do đó, bà con nông dân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại toàn bộ đối với các thiệt hại xảy ra. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường.

“Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được thì bà con nông dân có quyền khởi kiện cơ quan báo chí tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền vụ án dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Khi yêu cầu bồi thường thiệt hại thì bà con nông dân phải chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại là có căn cứ”, luật sư Nguyễn Thị Cúc cho biết thêm.

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn