Đồng bộ hóa màu sắc biển quảng cáo ảnh hưởng lớn đến vấn đề nhận diện thương hiệu
Mới đây, tuyến đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ Tôn Thất Tùng đến sông Lừ) đã được mở rộng, trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội.
Ngay khi những tấm biển hiệu quảng cáo này được treo lên, phố Lê Trọng Tấn như khoác lên mình một diện mạo mới. Điều này đang tạo ra rất nhiều những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng việc đồng bộ hóa biển hiệu quảng cáo là nên làm, góp phần giúp tuyến phố trở nên hiện đại hơn. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải sử dụng hai màu sắc xanh, đỏ thì sẽ gây nhàm chán, không bắt mắt.
Anh N.V.Hoàng, một kiến trúc sư tại Hà Nội cho biết: "Việc đặt ra quy chuẩn về kích thước là rất hợp lý, giúp đường phố nhìn hiện đại, đẹp đẽ hơn". Tuy nhiên, theo anh Hoàng, cách làm đồng bộ về cả màu sắc mà TP hiện đang áp dụng thì chưa thực sự phù hợp. "Theo tôi được biết, trong nguyên tắc quy hoạch đô thị cũng không có quy định khống chế về màu sắc của các công trình mà chỉ quy định về độ dày, kích thước".
Là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội, các bảng biển ở đây được quy định kích thước với 2 màu sắc xanh đỏ. |
Anh Hoàng cũng không đồng tình với việc không lắp đèn tại các biển hiệu quảng cáo này, ban đêm sẽ rất tối và khó để nhìn ra thương hiệu.
Cũng liên quan đến vấn đề này, anh Việt Nguyễn (Giám đốc nghệ thuật của Công ty TNHH Beau Creative) tâm sự: "Tôi thấy việc quy hoạch biển bảng trên cùng một tuyến phố là đúng đắn. Tuy nhiên việc thực hiện như ở phố Lê Trọng Tấn, có lẽ là chưa có sự nghiên cứu kỹ càng".
Màu sắc chung mà TP lựa chọn cho các tấm biển quảng cáo này là xanh và đỏ. Điều này thoạt nghe chỉ có thể ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mĩ. Tuy nhiên, ở góc độ một người chuyên làm về nhận diện thương hiệu, tôi nghĩ nó có thể gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp".
Màu sắc đối với một thương hiệu rất quan trọng. Chắc chắn sẽ có rất nhiều thương hiệu không muốn xuất hiện cùng màu xanh và đỏ. Như vậy sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý kinh doanh của người dân". Anh Việt cho rằng, việc quy chuẩn cần được nghiên cứu kỹ càng để đảm bảo mỹ quan gọn gàng nhưng thỏa mãn được nhu cầu quảng cáo, thu hút khách hàng của doanh nghiệp.
Hai màu sắc chủ đạo là do người dân lựa chọn, đồng thuận
Liên quan đến vấn đề trên, chiều 11/5, trao đổi với chúng tôi, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, việc đồng bộ hóa biển quảng cáo Sở Văn hóa chỉ là đơn vị hướng dẫn về mặt quản lý nhà nước, hướng dẫn về mặt quy định trong luật quảng cáo.
"Biển hiệu cùng kích cỡ là theo luật quảng cáo. Việc đồng bộ hai màu xanh đỏ trong tuyến phố kiểu mẫu thì các đơn vị phải lấy ý kiến của người dân trong khu phố đó, được sự đồng thuận với dân thì mới bền vững được", ông Động cho hay.
Giả sử chỉ có hai màu xanh đỏ được sử dụng thì toàn bộ biển thương hiệu nổi tiếng sẽ lẫn lộn vào nhau như thế này |
Trước vấn đề còn một số tranh cãi trong việc đồng bộ biển quảng cáo trên con đường kiểu mẫu đầu tiên ở Thủ đô, trao đổi với chúng tôi, bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, được sự chỉ đạo của thành phố, quận Thanh Xuân trực tiếp thực hiện và hỏi ý kiến người dân về việc đồng bộ biển quảng cáo cùng kích cỡ, màu sắc.
"Trên ý kiến góp ý của thành phố về màu sắc, chúng tôi trực tiếp giao cho phường hỏi người dân gợi ý để làm biển quảng cáo mẫu chung theo quy định của luật quảng cáo. 2 màu xanh đỏ được người dân đồng thuận thì đơn vị mới triển khai", bà Trang cho hay.
Việc quy định màu xanh và đỏ cho biển hiệu sẽ khiến các thương hiệu nổi tiếng phải... khóc ròng. |
Về vấn đề buổi tối biển quảng cáo tối và khó quan sát, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, những ý kiến trên quận sẽ tiếp tục tìm hiểu và nghe từ người dân để có giải pháp tối ưu. Còn việc một số thương hiệu lớn như ngân hàng Vietcombank có màu xanh lá cây, Thế giới di động chủ đạo hai màu vàng đen, hay FPT shop… có màu sắc đặc thù nếu ở tuyến phố kiểu mẫu bắt buộc hai màu xanh đỏ thì bà Trang cho hay, do tuyến phố kiểu mẫu nên nhiều vấn đề cũng phải đáp ứng theo quy chuẩn.
"Việc đồng bộ kích thước, chiều cao, logo phải thực hiện chung và phải đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của thành phố. Còn vấn đề màu sắc đặc thù như ngân hàng Vietcombank nếu muốn đặt chi nhánh có màu sắc chủ đạo như màu xanh lá cây chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm và báo cáo thành phố để từ đó có hướng giải quyết", bà Trang khẳng định.
Theo Tri Thức Trẻ