Các tàu Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến tuần tra khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: National Interest. |
Trong một bài viết vừa đăng trên tạp chí Mỹ National Interest, nhà nghiên cứu Hunter Marston ở Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Washington cho rằng, dù nhiều người cho rằng việc ông Obama sử dụng chiến lược đa phương thay vì ngăn chặn đang làm suy giảm sức mạnh của Mỹ ở châu Á, nhưng thực tế khác hoàn toàn.
Theo bài viết, nhiều nước trong khu vực hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ, sẵn sàng ký các thỏa thuận quốc phòng với Washington và thiết lập nhiều mối quan hệ an ninh và đối tác chiến lược để tạo nên một mạng lưới ngày càng phát triển để phòng vệ trước những bước đi quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông.
Những nước đi đầu trên thành lũy phòng vệ này gồm Nhật Bản, Philippines và Úc, cũng là các đồng minh chia sẻ lợi ích với Mỹ trong một hệ thống quốc tế mở. Các nước đồng minh của Mỹ cũng hưởng lợi từ việc duy trì nguyên trạng, tự do hàng hải và thương mại được tôn trọng, và chống lại sự thống trị của bất kỳ quốc gia nào trên Biển Đông.
Các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực đang thiết lập nhiều mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với nhau. Mới tuần trước, Úc và Singapore hoàn tất việc nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Indonesia, Philippines và Malaysia vừa nhất trí sẽ tuần tra chung trên vùng biển nằm giữa 3 nước…
Đồng minh của Mỹ là Nhật Bản đang thúc đẩy một cấu trúc an ninh hình nan hoa ở châu Á nhằm duy trì hòa bình ở đây từ khi Thế chiến 2 kết thúc. Tokyo đã thiết lập đối tác chiến lược với Việt Nam, Philippines, Indonesia, và Malaysia và gần đây, thảo luận về khả năng thiết lập quan hệ liên minh hàng hải bốn bên gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ trên phạm vi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bảo vệ tự do hàng hải trên các tuyến vận tải biển và vùng biển duyên hải của các nước nhỏ.
Về phần mình, Mỹ triển khai nhiều chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông và mở rộng tài trợ cho hoạt động nâng cao nhận thức biển cho các quốc gia Đông Nam Á. Năm ngoái, Lầu Năm góc thông báo Sáng kiến an ninh biển, một chương trình tài trợ trị giá 425 triệu USD trong 5 năm nhằm nâng cao năng lực cho các quốc gia Đông Nam Á để giám sát và bảo vệ vùng biển của họ.
Nên giữ thể diện cho Trung Quốc?
Tòa án trọng tài quốc tế (PCA) dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cho vụ kiện Trung Quốc trên Biển Đông do Philippines đệ đơn trong vài tuần tới. Vụ kiện được cho là sẽ có tác động sâu sắc đến các nước liên quan, cũng như khẳng định sức mạnh của luật quốc tế: về lý thuyết, mọi quốc gia đều phải tuân theo luật quốc tế. Nhưng PCA không có phương tiện nào để buộc các nước phải thực hiện theo quyết định của họ.
Phán quyết này được coi là phép thử cho sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc tuân thủ các quy tắc quốc tế và tiêu chuẩn luật pháp. Trung Quốc sẽ phải chọn giữa việc tiếp tục theo đuổi các đòi hỏi chủ quyền quá mức của mình hay thỏa hiệp và đồng ý tôn trọng phán quyết của tòa, rồi phải mất mặt với dư luận trong nước và tổn hại uy tín trên trường quốc tế.
Tác giả Hunter Marston cho rằng, Washington vẫn có thể thể hiện sức mạnh của mình và thiết lập mạng lưới đồng minh và đối tác hình nan hoa để gây sức ép buộc Trung Quốc tìm giải pháp hòa bình. Cơ hội đi theo con đường hòa bình cũng cao hơn nếu Mỹ có thể thuyết phục các nước Đông Nam Á đưa ra tiếng nói thống nhất và tôn trọng phán quyết của tòa, dù quyết định đó như thế nào.
Theo Tiền Phong