Đó là những lời chỉ trích thẳng thừng từ Đô đốc Harris, người thường xuyên khiến Bắc Kinh đau đầu vì những lời chỉ trích "cứng" hơn cả Tổng thống Barack Obama.
Đô đốc Harris không hề ngần ngại về sự bộc trực của mình. Ông cho rằng công việc của mình là phải nói với Quốc hội, công chúng Mỹ và các đồng minh về mối nguy cơ khi Trung Quốc tiến hành xây đảo quân sự trên biển Đông.
Đối với Trung Quốc, vị đô đốc 59 tuổi này không chỉ là một nhân vật có phát ngôn cứng rắng. Ông Harris vốn được sinh ra tại Nhật, mẹ ông là người Nhật còn cha ông là một sĩ quan lực lượng hải quân Mỹ. Vì vậy mà phía Trung Quốc thường xoáy vào thân thế của ông để chỉ trích.
Một bài viết trên Tân Hoa Xã từng viết: “Một số người nói rằng nhấn mạnh vào gốc gác người Nhật của một vị tướng Mỹ là không hay. Nhưng để hiểu rõ về thái độ đột ngột quyết liệt của Mỹ ở Biển Đông thì đơn giản là không thể bỏ qua dòng máu, thân thế, xu hướng chính trị và những quan điểm giá trị của ông ta”.
Đô đốc Harris phân tích tình hình xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc ở khu Đá Chữ Thập. Ảnh: AP |
Đô đốc Harris cho rằng những bình luận mang tính xúc phạm từ phía Trung Quốc nhằm vào 2 mục tiêu.
Thứ nhất là để chứng tỏ rằng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hoàn toàn “không kết nối với chính phủ Mỹ” - một nhận định mà theo ông là “hoàn toàn sai sự thật”.
Thứ hai, có vẻ như những bình luận này cũng nhằm bôi nhọ ông. Ông chia sẻ: “Bạn biết đấy, mô tả tôi như một vị tướng người Nhật là hoàn toàn không đúng. Tôi không rõ tại sao họ lại phải thêm tính từ “người Nhật” đi kèm với từ “đô đốc”.
Khi gia đình Đô đốc Harris chuyển về Tennessee - Mỹ sinh sống, mẹ ông đã từ chối dạy ông tiếng Nhật và cho rằng con của bà 100% là người Mỹ. Do vậy theo Đô đốc Harris, ông không để tâm nhiều đến việc ông là người Mỹ gốc Á đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy quân sự trong quân đội Mỹ.
Vì vậy, Đô đốc Harris cho rằng sự dai dẳng của Trung Quốc trong việc bình luận về dòng máu của ông là một điều trơ trẽn. Ông nói: “Trên một số phương diện, họ đang cố phỉ báng tôi và đó là một thái độ xấu xí. Tôi nghĩ rằng trong rất nhiều cách giao tiếp của các cơ quan nhà nước Trung Quốc thì đây là một luận điệu mù quáng và mang tính sỉ nhục”.
Sắp tới Tòa án Liên Hiệp Quốc tại Hague sẽ xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Phán quyết của Tòa được kỳ vọng là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh và sẽ làm rạn nứt thêm quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Mối quan tâm lớn đối với Đô đốc Harris là mức độ phản ứng của Trung Quốc với phán quyết sẽ mãnh liệt đến đâu. Công việc của ông là đề xuất những phương án quân sự cả ngắn hạn và dài hạn trong trường hợp Trung Quốc có thái độ leo thang trong việc đòi kiểm soát cả một vùng biển giàu giá trị dầu khí và thương mại như Biển Đông.
Theo NLĐ