Sài Gòn nắng nóng, thực hư chuyện tia cực tím cao gây ung thư da

Thứ sáu, 06/05/2016, 16:34
Nắng vẫn nóng bỏng rát và tia cực tím (UV) ở Sài Gòn đang có cường độ cao nhất trong năm. Các chuyên gia khuyên người dân cần bảo vệ da, mắt khi ra ngoài trời, dưới nắng gay gắt.
Người dân TP.HCM ra đường dưới cái nắng gay gắt - Ảnh: Độc Lập

Cường độ tia UV cao đỉnh điểm trong năm

“Nam bộ nói chung và TP.HCM nói riêng nằm ở vĩ độ thấp, gần xích đạo. Sau xuân phân (21/3), ánh sáng mặt trời chiếu ở khu vực này có cường độ mạnh, cao nhất năm. Cường độ ánh sáng mặt trời càng cao thì cường độ tia UV trong ánh sáng mặt trời cũng cao tương ứng”, bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia thời tiết giải thích.

Bà Lan cho biết, tháng 4, 5 là giai đoạn nắng nóng nhất năm ở Nam bộ. Năng lượng bức xạ mặt trời mạnh. Những ngày này, tại TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung, đang trong thời gian đỉnh điểm của bức xạ mặt trời và tia UV có cường độ cao nhất năm. Chỉ số UV cao nhất đạt mức 11/13 (theo thang đo của Mỹ).

Tia UV là một yếu tố trong tia sáng mặt trời đến trái đất. Tia UV được chia thành ba loại tia UVA, tia UVB, tia UVC. Trong đó, tia UVC có sức hủy diệt lớn, đã được bầu khí quyển chặn lại, không chiếu xuống trái đất; tia UVB có bước sóng ngắn, cường độ mạnh, cũng đã được bầu khí quyển hấp thụ phần lớn và một phần nhỏ chiếu xuống trái đất; còn tia UVA có bước sóng dài hơn, không bị bầu khí quyển hấp thụ vào chiếu xuống trái đất trong ánh nắng mặt trời.
Tia UV có cường độ cao nhất là vào giữa trưa, đặt biệt là 11-13 giờ trưa. Tia UV là sóng điện từ nên khi có nhiều mây thì sẽ giúp giảm bớt cường độ, còn khi trời quang mây (không có mây) thì càng đạt cường độ cao.
Tuy nhiên, “hiện nay, bầu khí quyển đang bị tổn thương (thủng tầng ozone ở một số khu vực) nên tia UVC cũng có khả năng chiếu xuống trái đất”, bà Lan cảnh báo.

“Đặc biệt, hiện giờ, số giờ nắng nhiều. Như tháng 3, nhiệt độ Nam bộ trung bình ở mức 37 độ C, cường độ UV ở mức 9-10/13, có lúc 11/13 nhưng thời gian tia UV có cường độ cao ngắn, chỉ vào giữa trưa, lúc 11-13 giờ hằng ngày. Còn hiện nay, ngay từ 8 giờ sáng, đã nắng gay gắt và cường độ UV đã lên cao ở mức 10-11/13, thời gian nắng nóng kéo dài đến chiều muộn, lúc 17-18 giờ và cường độ tia UV cao cũng kéo dài từ sáng đến 14-15 giờ chiều”, bà Lan nêu cụ thể.

Bà Lan cho biết, theo thang đo của Mỹ thì cường độ UV ở mức dưới 8 thì an toàn, không có vấn đề gì, nhưng trên 8 thì mức độ nguy hiểm cao đối với da và mắt.

Cường độ tia UV cao, gây hại gì?

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Tia UVA (có bước sóng 315 nm÷380 nm), có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. Tia UVB (có bước sóng 280 nm÷315 nm), gây say nắng, tổn thương làm đen da.

Còn Tia UVC (có bước sóng 100 nm÷280nm), gây ung thư da nhưng đã có tầng Ozone chặn lại.

“Con người thường tiếp xúc với tia UVA (90%) và UVB (10%)”, bác sĩ Minh cho biết.

Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Giảng viên Bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết thêm: Khi tiếp xúc với ánh nắng có cường độ tia UV cao có khả năng gây lão hóa da sớm, ung thư da. Da tổn thương do nắng gắt, phơi nắng quá mức sẽ có biểu hiện: đỏ, rát và đen đi. Nặng hơn sẽ bị phỏng nắng, xuất hiện bóng nước, phòng rộp, có thể bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, cũng có những tổn thương đến tế bào da mà mắt thường không nhìn thấy được, khi da có bất thường, đi khám, bác sĩ mới chẩn đoán phát hiện.

Tuy nhiên, “khả năng bị ung thư da đối với người Việt Nam là rất thấp. Vì chúng ta có nước da ngâm (da vàng) thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới, khu vực có cường độ ánh nắng mặt trời cao, khả năng chịu nắng, bảo vệ trước ánh nắng mặt trời cao”, bác sĩ Diệp nhận định.

Sài Gòn nắng nóng, thực hư chuyện tia cực tím cao gây ung thư da - ảnh 1
Che kín toàn thân chống nắng, cản tia UV - Ảnh: Độc Lập

Bí kíp mùa nắng nóng

Bác sĩ Diệp khuyên người dân trong những ngày nắng nóng, để giữ sức khỏe cho da và cả cơ thể nói chung, điều quan trọng nhất là không để cơ thể mất nước, bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau quả. Bên cạnh đó là không để cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Người dân nên hạn chế ra đường ở những thời điểm nắng gay gắt. Khi ra đường cần phải che nắng cho da, cơ thể bằng cách đội nón rộng vành, đeo khẩu trang, mặt áo khoát chống nắng. Đặc biệt là xoa kem chống nắng.

“Kem chống nắng cần được xoa 30 phút trước khi ra nắng và 2 giờ phải xoa lại một lần. Vì các loại kem chống nắng chỉ có tác dụng trong 2 giờ”, bác sĩ Diệp nhắc nhở.

Ngoài ra, người dân cũng cần đeo kính mát khi đi nắng vì ánh nắng gắt có thể làm tổn thương mắt.

Đối với việc ngồi trong xe hơi, người đi xe hơi cũng cần chú ý, ánh nắng, tia cực tím xuyên qua kính xe hơi càng có cường độ cao hơn, càng bị “ăn” nắng nhiều hơn. Vì vậy, kính xe hơi nên được dán tấm che nắng.

Theo bác sĩ Diệp: “Việc bảo vệ da khỏi nắng nóng là cần làm mỗi ngày khi ra nắng chứ không phải chỉ làm trong những ngày nắng gay gắt, tia UV có cường độ cao. Vì da bị lão hóa theo thời gian lâu dài, tuổi tác, khi tiếp xúc nhiều với nhiều yếu tố tác động, trong đó có nắng gắt”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn