Hạn mặn dập dồn: Dân miền Tây tha phương cầu thực

Thứ sáu, 06/05/2016, 12:12
Cả cái xã Lịch Hội Thượng này, rộng ra là cả huyện, cả tỉnh, tình trạng con cái tha phương cầu thực như gia đình bà Mén lên tới cả chục ngàn, phần vì thiếu việc làm, phần vì hạn hán thiên tai...
Do ruộng bị nhiễm mặn không thể trồng lúa, anh Lâm Thanh Tuấn (32 tuổi, ở Sóc Trăng) phải lên TP.HCM làm phụ hồ kiếm sống qua ngày

Trong căn nhà trống hoác ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, bà Dương Thị Mén đung đưa võng cho hai đứa cháu nội. Bà than: nhà có 4 công ruộng, năm nay thất quá không còn cái gì để ăn, con bà phải lên Bình Dương làm công nhân kiếm sống.

Cả cái xã Lịch Hội Thượng này, rộng ra là cả huyện, cả tỉnh, tình trạng con cái tha phương cầu thực như gia đình bà Mén lên tới cả chục ngàn, phần vì thiếu việc làm, phần vì hạn hán thiên tai, cây lúa thất bát. Ông Trần Sang, phó bí thư chi bộ ấp Bưng Long cạnh đó, cho biết: “Mọi năm chỉ có người nghèo không ruộng đất mới đi làm thuê nơi khác, nhưng năm nay khắc nghiệt quá, người có trong tay hai ba chục công ruộng cũng trắng tay, phải bỏ nhà cửa, con cái để đi nơi khác kiếm cái ăn”.

Xóm làng hiu hắt

Dọc hai ven đường xã Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng), chỗ nào cũng thấy nhiều căn nhà khóa trái cửa im ắng, lu nước cạn trơ đáy, cuốc xẻng chỏng chơ chứng tỏ đã lâu lắm không có bóng dáng chủ nhà.

Ông Trần Văn Son, phó chủ tịch UBND xã, chỉ: đây là nhà ông Trần Văn Bảy, ấp Bưng Long, đi Bình Dương từ hồi trước tết; đây là nhà ông Trương Công Hải, đi theo sà lan vận chuyển vật liệu xây dựng; còn đây là nhà bà Thương, cô Cảnh, anh Châu ở ấp Nước Mặn... ai nấy cũng bỏ xứ mà đi cả năm nay, chưa thấy ai trở về dù một lần.

Ông nói: “Hơn 6.000 người dân ở xã này đi Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương để làm công nhân, phụ hồ, giúp việc, đủ thứ nghề... Con số nắm được là vậy chớ thiệt ra còn lớn hơn nhiều”.

Đi một đoạn khá xa, ông Son vui hẳn lên khi thấy bên căn nhà lá thấp lè tè có một nhóm phụ nữ đang rôm rả trò chuyện.

“Lâu lắm rồi tui mới thấy cảnh vui vẻ này nè” - ông Son nói. Hỏi ra, mấy chị em này vừa ở xa trở về thăm nhà trong kỳ nghỉ lễ. Chị Thạch Thị Sa Vết (40 tuổi) ở ấp Kinh Ngang, xã Long Phú, ôm đứa con gái nhỏ vào lòng hôn lấy hôn để: “Năm nay làm ăn thất bát quá nên vợ chồng tui đành phải đi Đồng Nai làm mướn, cũng bấm bụng dữ lắm mới để tụi nhỏ lại cho ông bà nội giữ đó chớ”.

Anh chị Sa Vết đi làm đã hơn 6 tháng nay, anh thì bốc vác ở một xưởng gỗ, chị thì giúp việc cho hai gia đình cùng lúc. Mỗi tháng trừ chi phí ở trọ, ăn uống, anh chị gửi về quê 2 triệu đồng để ông bà lo cho mấy đứa nhỏ.

Trong căn nhà vách lá xiêu vẹo giữa những cánh đồng lúa cháy khô gốc, tưởng chừng chỉ một cơn gió thốc nhẹ cũng đủ làm ngã đổ, bà Thạch Thị Út đang chăm chồng là ông Sơn Hên (76 tuổi) vừa mới nằm viện về.

Hơn một năm nay, bà vừa chăm chồng vừa trông sáu đứa cháu nhỏ lít nhít của năm người con bà để lại, người đi Bình Dương, người đi Đồng Nai kiếm kế sinh nhai. “Ở đây đâu có gì đâu mà sống, không ruộng đất, không ai thuê mướn, chẳng thà tụi nó lên đó đi làm thợ hồ cũng có tiền gửi về đủ cho mấy đứa cháu đi học”.

Bữa cơm trưa dọn ra chỉ tô canh rau dền và vài miếng da heo kho quẹt. “Mấy đứa con tui gửi tiền về bao nhiêu thì vợ chồng tui để dành cho tụi nhỏ đi học trước, ăn uống tính sau, ráng cho tụi nó học tới đâu thì ráng” - ông Hên nằm trên võng cho biết thêm.

Cơn lốc rời làng quê

Ông Kim Hiền, bí thư chi bộ ấp Kinh Ngang, cho biết trong ấp trước kia có hơn 100 hộ dân, nhưng nay đã có 72 hộ đi làm ăn xa, trong đó 45 hộ là cả gia đình vợ chồng con cái đều đi hết. “Ngay cả bản thân tui cũng muốn đi vì ở đây đâu làm gì có cái ăn, cá không có, lúa thì mất trắng, làm thuê thì càng không có chuyện để làm” - ông Hiền tặc lưỡi.

Cạnh nhà ông Hiền, liền một mạch có năm bảy căn nhà cũng vắng tanh, cây khô vương vãi, vách xiêu mái mục. Cạnh bên, ông Nguyễn Văn Kỵ, 78 tuổi, cũng nói vô: “Như tui già cả quá rồi đâu ai thuê mướn gì được, chứ thanh niên trong xóm này đi hết rồi, vắng dữ lắm. Thấy mấy công ruộng chết vàng gốc hết mà thúi ruột, chỉ trông chờ mấy đồng lương phụ hồ của con tui gửi về thôi”.

Ông Đặng Thanh Quang, phó chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết hầu hết thanh niên trai tráng trong vùng đều đi hết, tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng năm nay nhiều nhất. “Giờ người dân còn ở huyện đa số là phụ nữ, trẻ em, đàn ông lớn tuổi không còn khả năng lao động.

Huyện đã cố gắng làm hết sức để hỗ trợ người dân duy trì cuộc sống tối thiểu. Nhà nước đưa xuống cái gì thì chia cho dân cái đó. Hiện tại huyện cũng chờ chính sách mới để giúp dân trong vụ mùa tới chứ chưa có gì cải thiện tốt hơn tình hình hiện nay” - ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, đợt hạn mặn vừa qua toàn huyện đã thiệt hại hơn 3.000ha lúa, trong đó hơn 2.000ha mất trắng. Từ đầu năm đến nay đã có 3.955 lao động đi TP.HCM và các tỉnh khác làm ăn.

Còn ông Trần Văn Son nói thêm ở xã Long Phú có 9 ấp thì mỗi ấp khoảng 80-90 hộ dân có người đi làm ăn xa, có hộ chỉ còn cái xác nhà.

“Thấy họ đi mà tui không cản được, chỉ cố gắng hỗ trợ người ở lại, nhà nào thiếu nước thì xã cho nước, thiếu gạo thì cho gạo, chúng tôi cũng cố gắng hết sức thuyết phục gia đình cho tụi nhỏ ra lớp đàng hoàng” - ông Son nói. Anh Nguyễn Thành Duy, phó bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng, cho biết thống kê từ sau Tết Nguyên đán đã có hơn 22.000 thanh niên rời địa phương đến các tỉnh, thành khác làm việc.

Trong đó, chỉ riêng xã Long Phú có hơn 6.000 người ra đi. Theo anh Duy, đây là tình trạng di dân tị nạn môi trường, môi trường sống không phù hợp, không có thu nhập ổn định nên những người còn trong tuổi lao động phải tìm sinh kế ở nơi khác.

Bà Dương Thị Mén (ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) hằng ngày phải chăm sóc hai đứa cháu nội vì con cái rời xứ đi làm ăn xa

Dân miệt vườn cũng lao đao

Không  chỉ dân xứ  Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng... mới biệt xứ đi làm ăn xa, ngay người ở vùng xưa nay được coi là trù phú như Tiền Giang, Vĩnh Long cũng ra đi vì đồng ruộng “bết quá”. Chúng tôi đến xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cũng  cảm nhận ngay được sự vắng vẻ, thiếu vắng bóng thanh niên trai tráng nơi đây.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, chủ tịch UBND xã Phú Thạnh, áng chừng có thể lên đến 80% thanh niên trong xã đi làm ăn xa, nhiều nhất vẫn là tìm đến TP.HCM. Ở đây người ta đi thành xóm, người này rủ người kia. Ở ấp Bãi Bùn, xã Phú Thạnh, rất nhiều ngôi nhà đóng cửa im ỉm như ở xã Long Phú (Sóc Trăng). Trước sau những ngôi nhà này là cả cánh đồng rộng mênh mông nhưng xác xơ, nứt nẻ do hạn hán và mặn xâm nhập. Bên cạnh đó là những ao hồ trơ đáy, nứt nẻ.

Bà Đặng Thị Đào, 55 tuổi, đang chuẩn bị cho hai cháu ngoại đi học. Bà là một trong số ít người hiếm hoi mà chúng tôi gặp tại ấp Bãi Bùn này. Con trai bà là Nguyễn Thanh Hiếu, năm nay 31 tuổi nhưng đã có thâm niên 16 năm đi làm hồ ở Sài Gòn. Còn vợ Hiếu làm ở Khu công nghiệp Tân Hương (Tiền Giang),  vài bữa mới tạt về nhà một lần.

Con cái gửi bà giữ cả. Đến chồng bà Đào năm nay 60 tuổi cũng mới lên TP.HCM làm phụ hồ kiếm sống. Nhà bà có hơn nửa công đất trồng sả, vậy nhưng “năm nay ông trời cũng không cho ăn khi nắng hạn, mặn xâm nhập kéo dài, sả chết hết ráo” - bà Đào nói.

Theo ông Dương Văn Nhàn - phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phú Đông, toàn huyện có 30.515 người trong độ tuổi lao động thì có tới hơn 12.500 lao động phải thường xuyên đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, đông nhất là tại TP.HCM. Số còn lại cũng lần lượt đi tìm việc làm thuê nơi khác mong kiếm cái ăn.

Giải thích về lý do trên, ông Nhàn cho rằng do địa hình của huyện bị chia cắt với đất liền bởi con sông Cửa Tiểu, đất đai nhiễm phèn, mặn nặng. Đồng thời, trong năm nay sự khắc nghiệt của hạn hán, mưa ít, mặn ngày càng xâm nhập đã làm cho phần lớn đất nông nghiệp trên địa bàn huyện không sản xuất được. Đó chính là lý do người dân nơi đây phải rời bỏ quê nhà, tha phương cầu thực.

Lên Tây nguyên kiếm sống

Bà Võ Ngọc Thứ - giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Kiên Giang - cho biết số bà con nông dân rời quê đi làm ăn ngoài tỉnh tăng khá nhiều, chủ yếu do mất mùa bởi hạn hán và xâm nhập mặn thời gian qua. Tại huyện An Biên, cùng thời điểm năm 2015, cả huyện có khoảng 6.000 lao động đi làm ngoài tỉnh.

Còn năm nay, con số này hiện tăng lên 10.000 người. Tại xã Nam Thái A, nếu như năm 2015 cả xã chỉ có 800 lao động đi làm ăn ngoài tỉnh, thì trong 4 tháng đầu năm nay con số này đã tăng lên 1.400 người.

Ông Dương Văn Sữa - trưởng ban lãnh đạo ấp Bàu Trâm, xã Nam Yên, huyện An Biên - cho hay ấp có gần 600 hộ dân thì có khoảng 200 hộ bị mất trắng vụ lúa mùa và vụ lúa đông xuân 2015-2016 vừa qua. Trong số 200 hộ này đã có gần phân nửa phải rời quê kéo cả nhà đi Sài Gòn, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, thậm chí lên tận Tây nguyên làm thuê kiếm sống.

2 vụ lúa, trên 100.000ha bị thiệt hại

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến nay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại tại ĐBSCL bao gồm: vụ lúa đông xuân 2015-2016 có 96.369ha thiệt hại, trong đó 42.100ha thiệt hại trên 70% năng suất. Vụ lúa hè thu 2016 thiệt hại 8.133ha, chủ yếu trên lúa xuân hè xuống giống sớm vào tháng 2 và đầu tháng 3 tại Tiền Giang và Sóc Trăng, trong đó 6.439ha thiệt hại trên 70% năng suất. Tổng diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn là 9.427ha, với khoảng 258.000 cây giống bị thiệt hại, chủ yếu ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).

Về nước sinh hoạt, đến nay khoảng 225.800 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, trong đó nặng nhất là Bến Tre với 86.200 hộ, Sóc Trăng 43.000 hộ, Kiên Giang 25.000 hộ… Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng nhu cầu hỗ trợ đối với nước sạch trong vùng hiện nay khoảng 330 tỉ đồng. Về thủy sản, do độ mặn tăng cao, có khoảng 2.000ha nuôi tôm quảng canh bị thiệt hại tại các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau và Bạc Liêu.

Thống kê số lượng dân đi nơi khác làm ăn các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang

Theo TTO

Các tin cũ hơn