“Vận động hành lang” phản đối phán quyết của PCA
Càng gần đến thời điểm PCA ra phán quyết về vụ kiện “đường 9 đoạn”, Bắc Kinh càng đẩy mạnh các cuộc vận động hành lang, lôi kéo các đồng minh châu Á, châu Âu và châu Phi ủng hộ quan điểm của họ.
Thậm chí, tờ Nhân dân nhật báo bản quốc tế hôm 28/4 còn đăng bài xã luận mặc cả với các nước đang được Trung Quốc vận động phản đối phán quyết của PCA: “Những quốc gia hữu hảo không nhất thiết phải ủng hộ hoàn toàn yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Chỉ cần họ ủng hộ phương pháp giải quyết tranh chấp mà Trung Quốc đưa ra và chống lại sự lạm dụng cơ quan tài phán của Philippines là được”.
Các vấn đề liên quan đến vụ kiện của Philippines tại PCA và quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông thời gian gần đây luôn được Trung Quốc lồng ghép trong chương trình nghị sự giữa họ với các nước trong và ngoài khu vực, khi có dịp tiếp xúc.
Sau mỗi lần như vậy, Trung Quốc và bộ máy truyền thông của họ sẽ liên tục rêu rao về sự ủng hộ của “quốc tế” đối với cách hành xử của Bắc Kinh đối với vụ kiện của Philippines, hay quan điểm của họ đối với vấn đề Biển Đông. Theo như Tân Hoa xã, Trung Quốc đến nay đã “dụ” được hơn 10 nước “ủng hộ Trung Quốc trên Biển Đông”, bao gồm Nga, Pakistan, Fiji, Campuchia, Lào, Brunei, Ấn Độ…
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Campuchia ngày 22/4/2016 |
Tuy nhiên, ngoài Nga đã 3 lần “ra mặt” khẳng định quan điểm không nên “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông - như Trung Quốc vẫn mong muốn thì đến nay, ít nhất đã có 3 nước phản ứng với sự tuyên truyền của Bắc Kinh về chuyện này, bao gồm: Fiji, Campuchia và Ấn Độ.
Đầu tiên là Fiji, đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương ngày 15/4 đã ra thông cáo khẳng định không có chuyện nước này ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Theo đó, Fiji theo đuổi chính sách không liên kết, đồng thời duy trì mối quan hệ hữu nghị với tất cả các quốc gia tiếp giáp Biển Đông, trong đó có Trung Quốc.
Fiji ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt và thực thi luật quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, chứ không phải như Bắc Kinh đã rêu rao là: “Fiji kêu gọi các bên liên quan trực tiếp giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải và lợi ích thông qua sự tham vấn và thương thảo phù hợp với các thỏa thuận song phương và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Tiếp đó, ngay cả Campuchia – đồng minh thân thiết của Trung Quốc cũng phủ nhận cái gọi là “đồng thuận 4 điểm” về Biển Đông mà Bắc Kinh nói họ đã đạt được với nước này qua chuyến thăm Phnom Penh hồi cuối tháng 4 của ông Vương Nghị.
Gần đây nhất, Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc cũng khẳng định Ấn Độ đứng trung lập về các tranh chấp ở Biển Đông và New Delhi nhìn nhận vụ kiện của Philippines liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông tại PCA là một quá trình hợp pháp.
Tập trận đổ bộ chiếm đảo trên Biển Đông
Có thể thấy, chỉ trong 2 tháng gần đây, truyền thông Trung Quốc đã dồn dập đưa tin về các đợt tập trận đổ bộ chiếm đảo của quân đội nước này trên Biển Đông.
Trong ngày 28-29/3 kênh truyền hình trung ương CCTV 7 của Trung Quốc liên tiếp đăng các video, hình ảnh về việc tập trận bắn đạn thật của 2 loại tên lửa đưa ra trái phép tại đảo Phú Lâm thuộc, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) và đưa tin một đơn vị đặc nhiệm Hạm đội Nam Hải tổ chức diễn tập chiếm đảo bí mật bằng xuồng cao su, đổ bộ bằng trực thăng… vào lúc rạng sáng ở các đảo mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Tiếp đến, nhật báo Quân giải phóng Trung Hoa (PLA Daily) lại đưa tin về một đợt tập trận mới cũng của Hạm đội Nam Hải, bắt đầu vào ngày 17/4, với những kịch bản được nâng cấp theo hướng phù hợp với những điều kiện chiến đấu thực tế trên Biển Đông.
Đầu tháng 5 này, Trung Quốc lại tiếp tục loan báo quân đội nước này sẽ tiến hành thêm các cuộc tập trận ở Biển Đông có sự tham gia của tàu chiến và tàu ngầm hiện đại. Theo Tân Hoa xã, trong số các tàu tập trận chống tàu ngầm và chống phi đạn sắp tới còn có một tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường.
Một cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông |
Có 2 điểm đáng chú ý trong các cuộc tập trận rầm rộ của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông. Thứ nhất, chúng đều là các cuộc tập trận quy mô lớn, với những tình huống giả định tham chiến thực sự. Thứ hai, truyền thông nhà nước Trung Quốc không hề nêu rõ địa điểm cụ thể diễn ra các cuộc tập trận nhưng lại cho hay đây là sự kiện thường lệ đã được lên lịch cho năm nay.
Có thể thấy, cái gọi là nỗ lực minh bạch trong các hoạt động triển khai quân sự của Trung Quốc khi loan báo các đợt tập trận này khá mờ nhạt so với những gì mà cộng đồng quốc tế đang lo ngại về khả năng Bắc Kinh sẽ làm ra một số “sự đã rồi” trước thời khắc PCA ra phán quyết bằng vũ lực.
Thậm chí, giới phân tích đã dự báo khả năng Trung Quốc sẽ xua lực lượng đánh chiếm các đảo, bãi đá đang nằm dưới sự kiểm soát của láng giềng, mà mục tiêu tiềm tàng là Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa, đặc biệt sau khi Bắc Kinh triển khai hệ thống phòng không và radar ở một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam), cũng như công khai đưa máy bay vận tải quân sự ra hoạt động ở bãi Đá Chữ Thập.
Phô trương hành xử quyền quản lý phi pháp với các đảo ở Trường Sa
Tiếp sau súng ống, tàu và máy bay chiến đấu, quân đội Trung Quốc sử dụng công cụ mới để chứng tỏ cái gọi là “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông khi đưa nữ ca sĩ nổi tiếng là Tống Tổ Anh cùng một đội văn công ra biểu diễn trước binh lính trên bãi Đá Chữ Thập và Đá Châu Viên - đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp phi pháp tại Trường Sa, vào các hôm 2/5 và 3/5.
Hình ảnh sự kiện này được truyền thông Trung Quốc loan tải rộng rãi, cho thấy rõ quy mô to lớn của các công trình mà Bắc Kinh cho xây dựng trên các bãi đá và rạn san hô mà họ đã đánh chiếm từ tay các láng giềng, đặc biệt là từ tay Việt Nam và Philippines.
Hình ảnh biểu diễn trái phép của văn công Trung Quốc trên bãi Đá Chữ Thập mà truyền thông Trung Quốc đăng tải còn cho thấy tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn của Hải quân Trung Quốc đang neo đậu gần đó |
Ngoài các công trình như hải đăng, cảng biển và các tòa nhà, trong hình còn thấy chiếc tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn của Hải quân Trung Quốc neo đậu gần Đá Châu Viên. Đây là một chiếc tàu đổ bộ khổng lồ, lớp 071, có khả năng mang theo 4 chiếc trực thăng và 800 binh sĩ.
Giới quan sát cho rằng, việc Trung Quốc đưa văn công quân đội ra Trường Sa gọi là để khích lệ tinh thần những người đang làm việc tại đấy phản ánh thái độ ngày càng tự tin của Bắc Kinh trong việc áp đặt được yêu sách chủ quyền phi pháp của họ tại Biển Đông.
Đây là một thủ đoạn mới, nhằm cho thấy là Trung Quốc đã thực sự hành xử quyền quản lý phi pháp với các đảo ở Biển Đông, đặt các nước khác trước một tình trạng đã rồi. Động thái này mang tính chất khiêu khích rõ rệt vì diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh cố gắng "chiêu dụ" khối ASEAN bằng những lời lẽ “hòa bình” nhân hội nghị ngày 27/4 vừa qua ở Singapore.
Theo PetroTimes