Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc- Le Liaoning. (Ảnh: AP) |
...Và khả năng đương đầu với phương Tây là vũ khí hiệu quả nhất để bảo vệ cái gọi là “quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc”.
Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông với các nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ ở phía Nam, tại biển Hoa Đông với Nhật Bản ở phía Bắc, Trung Quốc thông báo những thay đổi cấu trúc quan trọng trong quân đội.
Theo Tân Hoa Xã ngày 2/1/2016, đó là những thay đổi liên quan đến việc thành lập 3 binh chủng mới: Một đơn vị chuyên trách việc giám sát kho tên lửa chiến lược, một đơn vị tổng chỉ huy lục quân và một đơn vị hỗ trợ chiến đấu.
Bình luận về quyết định thay đổi trên và tiếp theo tin Trung Quốc đóng thêm hàng không mẫu hạm, AFP cho rằng Bắc kinh sẽ gây ra những cơn "thịnh nộ" từ phía Mỹ và các quốc gia láng giềng.
Theo AFP, thật ra, từ khi lên cầm quyền năm 2013, ông Tập Cận Bình đã thi hành một chiến lược xuyên suốt cải tổ quân đội với hai mục tiêu: tăng cường kiểm soát chính trị lực lượng vũ trang và sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt quan điểm của Bắc Kinh trên trường quốc tế (?)
Vào tháng 11/2015, Bắc Kinh đã dự kiến một cuộc thay đổi cơ bản đặt quân đội dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ban lãnh đạo đảng Cộng sản mà người chỉ huy tuyệt đối là ông Tập Cận Bình.
Vị Chủ tịch Trung Quốc kiêm Tổng Bí thư đảng Cộng sản, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia này đã có kế hoạch cắt giảm 300 ngàn quân để "tăng hiệu năng chiến đấu" theo binh pháp "quân cần tinh chứ không cần đông". Cùng lúc, ông quyết loại trừ hàng loạt tướng lãnh trong chiến dịch chống tham nhũng và nạn mua quan bán chức trong quân đội.
Trong báo cáo chiến lược công bố vào tháng 5/2015, Bộ Quốc phòng đã khẳng định quân đội Trung Quốc có tham vọng "củng cố và phát triển lực lượng hải quân" để "tham gia vào các chiến dịch quốc tế" (?) Vấn đề là bản báo cáo chiến lược cũng gián tiếp cho thấy Bắc Kinh sẽ gia tăng ảnh hưởng trong khu vực châu Á, khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân (Yang Yu Jun) nhấn mạnh vai trò của quân đội là "bảo vệ lãnh thổ chống các nước láng giềng gây hấn và can thiệp của Mỹ" (???)
AFP dẫn lời nhà phân tích Nghê Lạc Hùng (Ni Le Xiong) thuộc Đại học Thượng Hải lớn tiếng rằng: quân đội Trung Quốc cải cách để gia tăng khả năng tác chiến của ba binh chủng nhằm đuổi kịp quân đội Tây Âu và Hoa Kỳ (?)
Thời báo Hoàn cầu thuộc xu hướng chủ chiến, còn ngông cuồng tung hô rằng quân đội Trung Quốc "đã hội đủ những yếu tố cần thiết của một quân đội mạnh và xem Mỹ là đối trọng", bởi nếu Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ về quân sự thì điều này sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế và thái độ của các nước khác đối với Trung Quốc.
Rõ ràng bất chấp bị phản đối mạnh mẽ trên toàn thế giới, Bắc Kinh vẫn ảo tưởng về cái gọi là "giấc mơ đại cường quân sự" của riêng họ!?
Theo Dân Trí