Ông Saran Poshayachinda, phó giám đốc Viện nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Quốc gia Thái Lan, cho biết vệt sáng màu trắng kéo dài trên bầu trời có thể là mảnh vỡ tên lửa Nga khi nó rơi trở lại địa cầu. Sự cố không gây nguy hiểm cho trái đất.
Theo ông Saran, đây không phải sao băng vì nó di chuyển với tốc độ chậm. Đây cũng không phải một chiếc máy bay đang hoạt động. Nhiều khả năng, nó là mảnh vỡ của tên lửa Zenit SL-23 mà Nga sử dụng để đưa vệ tinh Electro-L2 vào quỹ đạo. Ông Saran tin rằng mảnh vỡ rơi xuống Thái Bình Dương và không gây hậu quả.
Tên lửa Zenit SL-23 của Nga rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazathstan ngày 11/12/2015. Aerospace.org dự đoán, tên lửa rơi trở lại trái đất vào ngày 2/1.
Ông Saran cũng cho biết đây không phải hiện tượng hiếm xảy ra và hoàn toàn có thể giải thích trên phương diện khoa học. NASA cũng cho biết khoảng 500.000 mảnh rác vũ trụ đang quay quanh trái đất nhưng chúng thường không thể gây hại cho con người trên địa cầu.
Cũng trong ngày 2/1, người dân ở các huyện miền núi tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái của Việt Nam sửng sốt khi phát hiện vật thể lạ bằng hợp kim, hình cầu rơi xuống mặt đất sau những tiếng nổ lớn.
Khoảng 7h ngày 2/1, người dân khu vực tại thôn Nà Giàng, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang nghe tiếng nổ chát chúa, vọng từ trên không xuống. Theo hướng tiếng nổ để tìm nguyên nhân, người dân địa phương sửng sốt khi phát hiện vật thể lạ nằm ở khu vực ven bờ suối. Vật thể có dạng hình cầu, bề ngoài là hợp kim, đường kính khoảng 70cm.
Cùng thời điểm, một vật thể lạ rơi xuống địa bàn xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái cũng sau tiếng nổ lớn. Vật thể lạ rơi tại Tân Đồng bằng kim loại, có hình cầu, rỗng bên trong và nặng khoảng 6kg. Hiện tại, chưa thể xác định nguồn gốc của các dị vật trên.
Theo Zing