Đồng minh khó lường

Thứ bảy, 02/01/2016, 23:31
Có mặt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria hồi cuối năm 2014, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden buột miệng nói vấn đề lớn nhất mà Mỹ đối mặt trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chính là các đồng minh của mình.

Thực tế đã chứng thực lời nói bộc trực của ông Biden với đỉnh điểm cao trào là vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Nga vào cuối tháng 11-2015.

Theo báo The Wall Street Journal (WSJ, Mỹ), từ chỗ được xem là thế lực có ảnh hưởng đối với ổn định khu vực và tăng trưởng kinh tế, nay Ankara bị nhiều quan chức, cơ quan truyền thông và học giả phương Tây đánh giá là ngấm ngầm hỗ trợ cho khủng bố quốc tế. “Thổ Nhĩ Kỳ còn bị coi là đồng minh nguy hiểm có thể kéo NATO vào cuộc xung đột không mong muốn với Nga” - tờ báo viết.

Cũng theo WSJ, Thổ Nhĩ Kỳ “ghét” Nga bởi nước này - bằng chiến dịch không kích của mình - gần như phá hỏng hoàn toàn chiến lược của Ankara ở Syria. Khi nội chiến Syria nổ ra năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước vào cuộc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad sớm nhất.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bỏ lại sau lưng một thập kỷ làm ấm quan hệ với Damascus để quyết trở thành thế lực vượt trội trong khu vực. Ban đầu, Ankara muốn mở đường cho sự ra đời của chính phủ Sunni ở Syria, càng tốt hơn nếu nó được điều hành bởi một nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo. Nếu thành công, hai đối thủ truyền thống của Ankara là Nga và Iran sẽ mất vị thế chiến lược đối với Syria. Tiếc thay, chính quyền ông Assad “cứng” hơn dự kiến, còn phương Tây không chịu đưa quân vào Syria.

Lực lượng Các đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) theo dõi hoạt động của IS ở TP Hasaka - Syria Ảnh: REUTERS
Lực lượng Các đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) theo dõi hoạt động của IS ở TP.Hasaka - Syria Ảnh: REUTERS

Không chỉ gây căng thẳng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ còn làm khó Mỹ khi đối chọi với lực lượng người Kurd ở Syria, khiến nỗ lực thành lập lực lượng trên bộ tại chỗ để chống IS thêm phức tạp, theo đài VOA. Nhiều chuyên gia nhận định chính quyền ông Erdogan ưu tiên hạn chế sức mạnh của người Kurd hơn là đánh bại IS. Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ cũng thất thế ở mặt trận này.

Trang Business Insider cho hay Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - một liên minh do lực lượng Các đơn vị Bảo vệ người Kurd (YPG), cánh vũ trang của Đảng Liên đoàn dân chủ người Kurd (PYD), chiếm đa số - đã chiếm được đập Tishreen từ tay IS hôm 26-12-2015, sau đó vượt sông Euphrates. SDF do phương Tây hậu thuẫn, còn YPG ra đời với sự hỗ trợ của Mỹ vào tháng 10-2015.

Mất đập Tishreen sau 2 năm chiếm giữ là thất bại lớn của IS bởi đây là đường vận chuyển vũ khí và chiến binh qua lại giữ thành trì Raqqa và các thành phố của tỉnh Aleppo - Syria. Song Ankara mất mặt không kém bởi nước này từng tuyên bố sông Euphrates là “lằn ranh đỏ” đối với việc mở mang lãnh địa của người Kurd.

Theo đài VOA, Thổ Nhĩ Kỳ sợ YPG tiến thêm về phía Bắc rồi kết nối 3 khu vực có đông người Kurd sinh sống ở Syria thành một nhà nước tự trị dọc theo 900km với Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó thổi bùng tham vọng ly khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara càng lo lắng hơn khi SDF tuyên bố họ được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của Mỹ ở phía Tây sông Euphrates.

Rudaw, một công ty truyền thông tư nhân của người Kurd, cảnh báo việc SDF vượt sông Euphrates sẽ khơi lại nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào miền Bắc Syria. “Nếu đúng vậy, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể gia tăng, thậm chí dẫn đến xung đột nguy hiểm, bởi không quân Nga bắt đầu hỗ trợ người Kurd ở Syria mấy tuần gần đây” - bài viết của Rudaw nhấn mạnh.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn