“Chúng tôi lo ngại các chuyến bay thử nghiệm làm gia tăng căng thẳng và không phù hợp với các cam kết kiềm chế để tránh phức tạp hóa và leo thang tranh chấp ở khu vực” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Pooja Jhunjhunwala nhấn mạnh hôm 3-1.
Việt Nam đã nhanh chóng phản đối chuyến bay thử nghiệm hôm 2-1 của Trung Quốc. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước. Hành động này cũng làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước. Việt Nam đã kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc không tái diễn các hành động tương tự.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cùng ngày 2-1 để trao công hàm phản đối hành động phi pháp này.
Ảnh vệ tinh chụp đường băng xây trái phép trên Đá Chữ thập hồi tháng 4-2015. Ảnh: DigitalGlobe |
Theo báo The Wall Street Journal (Mỹ), Bộ Ngoại giao Philippines cho hay Manila cũng dự định phản đối Trung Quốc. Tờ báo này nhận định động thái mới nhất chứng minh ý đồ quân sự của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông, bất chấp Bắc Kinh nhiều lần nói chúng phục vụ mục đích dân sự.
Giáo sư Andrew Erickson, thuộc Trường ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã hoàn thành 2 đường băng trên Biển Đông, một ở Đá Chữ thập (quần đảo Trường Sa) và một ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa). Cả 2 quần đảo này đều thuộc chủ quyền Việt Nam.
“Phía Trung Quốc nói tham gia bay thử nghiệm hôm 2-1 là máy bay dân sự song rõ ràng đường băng trên Đá Chữ thập đáp ứng được mục đích quân sự và Bắc Kinh có thể sử dụng nó bất cứ lúc nào” – giáo sư Erikson nhận định, đồng thời cảnh báo đường băng dài khoảng 3km trên Đá Chữ thập là bằng chứng cho thấy Trung Quốc bành trướng về mặt quân sự trong khu vực.
Theo một số quan chức quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có thể triển khai radar và hệ thống tên lửa lên các đảo nhân tạo để lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Cuối năm ngoái, Mỹ lần lượt triển khai tàu khu trục tên lửa tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo trái phép và cho máy bay B-52 bay áp sát. Washington khẳng định các chuyến tuần tra nhằm thực thi quyền tự do lưu thông trên Biển Đông.
Theo NLĐ