Theo tờ The Economic Times, Ấn Độ đã đặt trạm theo dõi, tiếp nhận và xử lý dữ liệu vệ tinh tại TP.HCM. Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sẽ sớm cho kích hoạt trạm vệ tinh này và kết nối với trạm nghiên cứu ở Biakin, Indonesia.
Trạm vệ tinh của Ấn Độ đặt tại TP.HCM sẽ giúp theo dõi hoạt động bành trướng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. |
Trong đó, trạm vệ tinh ở TP.HCM sẽ giúp theo dõi và tiếp nhận dữ liệu của các vệ tinh do ISRO phóng từ lãnh thổ Ấn Độ. Ngoài Việt Nam và Indonesia, Ấn Độ hiện đang vận hành một trạm tiếp nhận tín hiệu vệ tinh khác ở Brunei. Và New Delhi đã chi 23 triệu USD cho chương trình xây dựng trạm vệ tinh ở Việt Nam.
Sự xuất hiện của trạm vệ tinh tại Việt Nam còn giúp Ấn Độ dần giành được vị thế quan trọng trong các vấn đề liên quan tới Biển Đông, điểm nóng căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng trong những năm gần đây liên quan tới chủ quyền, lãnh hải.
Ngoài Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á cùng Mỹ và Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về hành động ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và là tuyến hàng hải quốc tế mang lại giá trị thương mại 5 ngàn tỷ USD/năm.
Kể từ năm 2014, Ấn Độ cũng thường xuyên nhắc tới quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên tiến hành cải tạo, bồi đắp, xây đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền với nhiều khu vực ở Biển Đông. Không dừng lại ở hoạt động xây dựng trái phép, Bắc Kinh mới đây còn ngang nhiên đưa máy bay ra bay thử nghiệm tại sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước việc trên, hôm 2/1, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.