Thận, gan, tim của chàng trai trẻ hiến tặng đã giúp hồi sinh sự sống cho 4 người bệnh khác. Nam thanh niên 20 tuổi sống tại TP HCM bị tai nạn giao thông chết não. Gia đình chàng trai trẻ đã có quyết định đầy nhân văn mà ít người dám làm là đồng ý hiến tạng của con trai mình. 13h ngày 26/4, ê kíp y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và Bệnh viện Việt Đức Hà Nội dành một phút mặc niệm người hiến đã ra đi trước khi mổ lấy tạng. Giây phút này đã được một thành viên trong ê kíp mổ lấy tạng ghi lại khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Kíp mổ dành một phút mặc niệm tri ân chàng trai trẻ đang nằm trên bàn mổ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Chàng trai đã hiến 2 thận, 2 giác mạc, tim và gan. Trong đó, thận được ghép cho 2 bệnh nhân suy thận đang nguy hiểm tính mạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, còn gan và tim được chuyển ra Hà Nội ghép cho 2 bệnh nhân tại đây. Người được ghép quả tim của chàng trai, năm nay 64 tuổi từng bị suy tim, đặt stent 9 lần, thời gian sống chỉ tính bằng ngày. Người nhận khối gan hiến tặng lâu nay suy gan giai đoạn cuối, 54 tuổi.
Mỗi ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) có 2-3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng nhưng 5 năm qua chỉ có gần 30 trường hợp hiến tạng. Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, tại bệnh viện có 3-4 người chết não trước đó đã đồng ý hiến tạng nhưng không vận động được ca nào vì gia đình không đồng ý.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc hiến tạng hiện nay còn rất khiêm tốn nếu không nói là quá ít. Việc vận động cực kỳ khó khăn vì người dân vẫn quan niệm chết phải toàn thây. Trong khi đó có hàng nghìn người đang mòn mỏi chờ tạng để được sống. Một người chết não hiến tặng có thể cứu sống được nhiều người.
Đại diện Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép. Hơn 6.000 người suy thận đang chờ ghép, trên 300.000 người mù chờ ghép giác mạc; số người chờ ghép tim là hơn 1.500. Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng; trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan; nguồn tạng từ người cho chết não rất ít.
Người 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.
Theo VNE