Chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc này mới đây đã đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động gần khu vực quần đảo Hoàng Sa |
Theo Tân Hoa Xã, thứ trưởng phụ trách nghề cá của Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc Dư Hân Vinh thông báo, việc thực thi lệnh cấm đánh bắt sẽ do lực lượng tuần duyên và cơ quan ngư nghiệp phụ trách. Thứ trưởng Nông Nghiệp Trung Quốc cũng cho biết chính quyền có chủ trương tái định hướng nghề cá, theo hướng giảm sản lượng, giảm số tàu đánh bắt, khuyến khích ngư dân chuyển nghề để bảo vệ nguồn hải sản.
Theo quan chức Trung Quốc nói trên, chính quyền đã tiến hành bốn chiến dịch truy bắt các tàu cá hành nghề bất hợp pháp và các phương tiện khai thác bất hợp pháp, với kết quả là 16.000 tàu không có giấy phép bị cấm hành nghề và 600.000 lưới đánh cá không hợp lệ (với mắt lưới quá nhỏ) bị thu giữ.
Lệnh cấm đánh bắt hải sản do Trung Quốc đơn phương ban hành có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 hàng năm, tại gần như toàn bộ vùng Biển Đông, trải dài tới vĩ tuyến 12, sát với Indonesia, nhưng không bao gồm phần lớn quần đảo Natuna của Indonesia. Theo chính quyền Trung Quốc, việc cấm khai thác vào mùa này là để tạo điều kiện cho nguồn cá phục hồi. Biển Đông, vốn được coi là một trong các khu vực có trữ lượng cá hàng đầu thế giới, được đánh giá bị khai thác quá mức.
Theo một nghiên cứu chính thức được Tân Hoa Xã công bố, hàng năm có khoảng từ 8 đến 9 triệu tấn hải sản đánh bắt được tại khu vực này. Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, can thiệp đơn phương của Trung Quốc nhắm vào các tàu nước ngoài rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục bị cáo buộc hủy hoại môi trường Biển Đông, đặc biệt với việc phá hoại san hô khi bồi đắp, mở rộng nhiều đảo nhân tạo tại Trường Sa, và khai thác hải sản bừa bãi tại các vùng có san hô, nơi trú ẩn và sinh trưởng của nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, nguồn thực phẩm quan trọng của các cư dân ven bờ Biển Đông.
Các quốc gia ven Biển Đông, trước hết là Việt Nam và Philippines, cũng liên tục phải đối mặt với nạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Tàu cá Trung Quốc còn gây lo ngại cho cả Indonesia và Malaysia. Cá Biển Đông ngày càng cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc chuyển sang đánh bắt ồ ạt tại nhiều nơi khác, đặc biệt là ở ngoài khơi miền Tây châu Phi. Đầu năm nay, 24 quốc gia châu Phi ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc ngừng khai thác bất hợp pháp tại vùng biển này. Theo một nghiên cứu, hàng năm ước tính Trung Quốc đánh bắt hơn 2 triệu tấn cá tại Tây Phi.
Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều ngang nhiên tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực. Việc Trung Quốc ra thông báo quy định phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là một hành động vô giá trị và Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định này.
Theo Viettimes