Vào hậu trường công trình Metro số 1

Thứ tư, 18/05/2016, 09:16
21 giờ, khi người dân thành phố chuẩn bị nghỉ ngơi, đó là lúc công nhân thi công tuyến Metro số 1 bắt đầu ca làm việc mới

“Công trình nằm sâu dưới lòng đất nên yếu tố không khí và ánh sáng tưởng chừng đơn giản lại trở thành quan trọng ở đây. Càng xuống sâu càng phải bảo đảm chặt chẽ 2 yếu tố này” - Chỉ huy công trường ga Nhà hát TP (thuộc tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) Lê Thành Lê cho biết trong tiếng ù ù của hệ thống quạt hút và thổi khí.

Không được phép sai

Gặp chúng tôi ở đầu lối lên xuống hầm thi công ga Nhà hát TP, kỹ sư phụ trách an toàn Trần Xuân Trực vừa cầm máy đo khí vừa cho biết chỉ cần sơ sẩy một chút là nguy bởi nếu đo không chuẩn xác khí độc tự nhiên có sẵn trong lòng đất và các khí độc thải ra từ hệ thống máy móc thì sẽ rất nguy hại đến sức khỏe của anh em đang thi công bên dưới.

Theo kỹ sư Trực, vấn đề không khí được ưu tiên số 1 là do thi công trong điều kiện chật hẹp ở khu trung tâm TP nên phải chọn giải pháp thi công top-down (từ trên xuống) để không ảnh hưởng đến các công trình cao tầng lân cận. Tuy nhiên, giải pháp này có những khó khăn riêng, đó chính là thiếu không khí sạch. “Toàn công trường có 11 lỗ mở thì mỗi lỗ mở có ít nhất 2 quạt hút khí trong hầm ra và bơm khí sạch từ mặt đất xuống” - kỹ sư Trực cho biết.

Lao động hăng say ở công trường Metro số 1

Và để bảo đảm đủ không khí, mỗi ngày kỹ sư phụ trách an toàn phải đo đều đặn nhiều lần. Các thông số không khí đều được ghi chép cẩn thận trên bảng ngay lối xuống hầm. Chỉ khi bảo đảm an toàn, có ký hiệu báo cho phép, công nhân mới được phép xuống hầm. Nếu phát sinh tình huống không khí không an toàn thì cấm tiệt mọi người xuống hầm...

Bên cạnh đó là ánh sáng, càng xuống sâu ánh sáng càng yếu, phải lắp đặt thêm rất nhiều đèn cao áp để tăng cường ánh sáng cho những người làm việc. “Trong hầm có nhiều vật rơi, nhiều đoạn lên xuống trơn trượt dễ ngã, nhiều cọc nhô nguy hiểm cần phải đủ sáng để nhận diện” - kỹ sư Trực chia sẻ.

Dù vậy, có khắc phục được các yếu tố trên thì việc thi công sâu dưới lòng đất vẫn chưa hết những khó khăn. Đầu tiên là vận chuyển vật liệu. Các cần cẩu công trường chỉ có thể chuyển vật liệu xuống hầm thông qua các lỗ mở và phải di chuyển ngang các vật liệu này trong hầm. Kế đến, do yêu cầu thi công nhà ga ngầm, thiết kế về kết cấu thép có những đặc thù riêng nên việc lắp đặt các thanh sắt có đường kính lớn, nặng đòi hỏi phải vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận.

“Không thiếu những trường hợp khi lắp đặt sai nhịp so với thiết kế phải tháo ra làm lại, thiệt hại khôn lường nên sai sót là chuyện không thể chấp nhận. Vì vậy, công tác này đòi hỏi công nhân phải có kinh nghiệm; kỹ sư, giám sát phải túc trực theo dõi thường xuyên, kiểm tra từng li từng tí” - kỹ sư Nguyễn Chí Thân, phụ trách ca đêm, cho biết.

Theo kỹ sư Thân, việc kiểm tra giám sát không chỉ kỹ sư tại công trường mới thực hiện mà cả các “sếp” ở nhà cũng tham gia. Cứ mỗi lần bắt đầu hay kết thúc một công đoạn nào đó, kỹ sư trực đều phải chụp ảnh lại bằng điện thoại rồi chuyển trực tiếp lên phần mềm “chat” để các cấp cao hơn không có mặt tại công trường có thể theo dõi cùng lúc. Cứ như thế, thi công đêm hôm cũng “trực tiếp” lên để nhiều cá nhân liên quan cùng theo dõi.

Thực hiện an toàn một cách nghiêm ngặt

“Không còn cơ hội thứ hai”, đó là một trong rất nhiều khẩu hiệu về an toàn lao động được dán trên các lối đi trên công trường. Tuy nhiên, không dừng lại ở những khẩu hiệu suông, việc thực hiện an toàn lao động tại công trường Metro số 1 được các cán bộ phụ trách thực hiện tuyệt đối nghiêm ngặt. Từ cách đi đứng lên xuống hầm, cẩn thận quan sát đinh thép, cọc nhô cho tới tiếng ồn từ hệ thống quạt... “Sức khỏe không bảo đảm cũng không được xuống công trường” - kỹ sư Thân nói.

Sức khỏe là điều kiện tiên quyết của kỹ sư, công nhân tham gia xây dựng tuyến Metro số 1

Theo anh, mỗi sáng, tại công trường, các kỹ sư và công nhân đều phải chấp hành việc tập thể dục cùng nhau. Tiếp đó là giao ban với toàn thể người lao động trên công trường, tổng kết khối lượng ngày hôm qua, phổ biến các mục tiêu, khối lượng thi công trong ngày và trong tuần, khuyến cáo các rủi ro có thể xảy ra trong từng hạng mục thi công, rút kinh nghiệm về an toàn mỗi khi đâu đó xảy ra tai nạn lao động…

“Trời nóng bức, “sếp” còn nhắc nhở phải ăn thế nào, uống nước ra sao để bảo đảm sức khỏe nữa” - chị Dương Thị Thu Hồng, quê Vĩnh Long, công nhân phụ trách vệ sinh và hướng dẫn xe ra vào công trường, cho biết.

Lên thành phố mười mấy năm, làm qua nhiều công trường xây dựng nhưng theo chị Hồng, chưa nơi làm việc nào mà các quy định an toàn nghiêm ngặt như nơi đây.

Yêu cầu an toàn không chỉ được áp dụng nghiêm ngặt cho bên trong mà còn cả bên ngoài công trường. “Đặc thù công trình nằm giữa khu trung tâm nên việc đo mực nước ngầm và đo dịch chuyển các công trình cao tầng lân cận diễn ra thường xuyên mỗi ngày, mỗi giờ. Kỹ sư nào không tuân thủ thì chỉ có nước... ra về” - kỹ sư Thân chia sẻ.

Học hỏi được nhiều

Kỹ sư Lê Thành Lê cho biết do thi công 3 ca liên tục mỗi ngày nên thường trực lúc nào cũng có gần 200 công nhân trên công trường, 4 kỹ sư người Nhật và hơn 30 kỹ sư Việt Nam của cả thầu phụ lẫn thầu chính. Đặc biệt, có gia đình vợ chồng, con cái đều vào làm trong công trường. Bên cạnh đó, công trường có gần 25% lao động là nữ. So với nam giới, công nhân nữ có lợi thế hơn trong những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ...

Với hầu hết kỹ sư Việt Nam, việc được tham gia xây dựng công trình đặc biệt này vừa là niềm tự hào vừa là cơ hội để học hỏi. Kỹ sư Nguyễn Chí Thân cho biết công việc đòi hỏi anh phải thay đổi giờ giấc thường xuyên. Cứ một tuần trực đêm thì tuần tiếp theo trực ngày. Anh em làm đêm, đến 3-4 giờ sáng rất mệt, buồn ngủ. Cũng có khi mệt quá, để bảo đảm an toàn, phải sắp xếp cho anh em chợp mắt một tí rồi lại làm tiếp.

Dù đã kinh qua các công trường lớn, như cầu Phú Mỹ nhưng khi tham gia thi công tuyến Metro số 1, kỹ sư Thân cho biết anh vẫn học hỏi được rất nhiều về cách tổ chức công việc và văn hóa, thái độ lao động. Trong khi đó, kỹ sư Lê Thành Lê, làm chỉ huy công trường khi mới 35 tuổi, bộc bạch: “Nhớ nhà, mỗi tháng cũng cố gắng sắp xếp về thăm vợ con. Cái nghề này nó vậy, cứ phải đi miệt mài. Thế nhưng, bù lại, được tham gia một công trường trọng điểm, được người dân thành phố kỳ vọng là cả niềm tự hào lớn và cơ hội để học hỏi rất nhiều”.

Đo và ghi chép các thông số về không khí

Ngồi cặm cụi ghi chép các thông số chất lượng không khí sau khi đo, kỹ sư Trực tâm sự: “Cứ phải đo đều đặn như thế, thức đêm riết cũng thành quen, mọi việc đều được thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ. Đây cũng là một trong những cái hay mà chúng tôi học hỏi được từ các nhà thầu lớn của nước ngoài”.

21 giờ 30 phút, công nhân bắt đầu vào làm ca đêm, hạng mục đào hầm B2. Giữa oi bức của tiết trời tháng 5, khi người dân thành phố chuẩn bị đi nghỉ thì công trường thi công nhà ga Nhà hát TP tuyến Metro số 1 lại bắt đầu một ca làm việc mới. Cả công trường lại nhộn nhịp nhưng nghiêm túc, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ vì một mục tiêu lớn: Thi công an toàn và hoàn thành đúng tiến độ công trình...

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho biết hiện gói thầu 1B (đoạn ngầm từ Nhà hát TP đến ga Ba Son) của dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã đạt 32% tổng khối lượng dự án. Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn tuyến Metro số 1 sẽ hoàn thành.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích