Phương thuốc điều trị tận gốc HIV đang đến rất gần

Thứ hai, 23/05/2016, 09:13
Với phát hiện mới đây, các chuyên gia đã tiến một bước rất dài đến phương pháp điều trị căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.  

Bên cạnh ung thư, việc tìm ra phương thuốc điều trị căn bệnh thế kỷ HIV vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của giới y bác sĩ. Và mới đây, các nhà khoa học đã có một khám phá mang tính bước ngoặt, khi lần đầu tiên tìm ra cách loại bỏ ADN của virus HIV trong mô sống, đồng thời đưa phương pháp chữa trị tận gốc căn bệnh thế kỷ này đến gần chúng ta thêm một bước.

Biểu tượng HIV

Cụ thể hơn, trước kia việc điều trị HIV hoàn toàn chỉ dựa vào thuốc làm giảm mật độ của virus nhằm giúp hệ miễn dịch của cơ thể đủ khả năng chống chọi. Tuy nhiên, thuốc không thể loại bỏ hoàn toàn virus, đồng thời nếu việc điều trị bị gián đoạn, virus sẽ sinh sôi nảy nở còn nhanh hơn trước, khiến nạn nhân có thể tử vong sớm hơn rất nhiều.

Còn nay, các chuyên gia từ ĐH Temple (Mỹ) bằng cách sử dụng công nghệ tinh chỉnh gene đã có thể loại bỏ gene của virus HIV-1 (virus HIV cơ bản nhất) trong cơ thể của chuột. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể làm được điều này trên một cơ thể đang sống.

Theo giáo sư Kamel Khalili từ ĐH Temple - chủ nhiệm nghiên cứu: "Để chứng minh nghiên cứu này, chúng tôi bắt đầu từ công nghệ tinh chỉnh gene, thứ đã cho thấy hiệu quả khi có thể tiếp cận đến những tế bào rất nhỏ, đồng thời tách ADN của virus ra khỏi mã di truyền của tế bào".

Theo đó, các chuyên gia đã sử dụng một loại virus đã "thuần hóa" - rAAV. Khalili cho biết: "Khả năng phân phối đến nhiều cơ quan và chỉnh sửa gene HIV của virus này là những điểm cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết trọn vẹn căn bệnh thế kỷ".

Các nhà khoa học cho biết kết quả nghiên cứu thực sự có ý nghĩa rất lớn. Giáo sư Khalili chia sẻ: "Nền tảng tinh chỉnh gene gợi ra khả năng loại bỏ các đoạn mã di truyền của HIV-1, đồng thời cho thấy tiềm năng và sự linh hoạt nếu sử dụng kết hợp với những loại thuốc trị HIV hiện nay. Và sau tất cả, phương thuốc trị tận gốc HIV đang dần xuất hiện".

Giáo sư Khalili cho biết các thử nghiệm trên con người sẽ được thử nghiệm trong giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu.

Nghiên cứu được công bố trên tạp trí Nature Gene Editing.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn