Theo báo Mỹ New York Times, khi ông Bill Clinton hạ cánh xuống Hà Nội 16 năm trước, ông trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, và sứ mệnh của ông là đẩy cuộc xung đột đó về phía sau. Chuyến thăm đó trở thành một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam, nhiệm vụ của ông có vẻ ít kịch tính hơn, nhưng lại tham vọng hơn theo nhiều cách. Hai quốc gia, từ chỗ cách xa vì nhiều thập kỷ hiểu nhầm, bạo lực và thận trọng, nay có cơ hội xây dựng mối quan hệ đối tác - điều dường như không thể xảy ra chỉ cách đây 3 năm.
“Điều đó cho thấy lịch sử có thể thay đổi theo những cách không thể đoán trước được”, New York Times dẫn lời ông Benjamin Rhodes - Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ. “Ngay cả những cuộc xung đột tồi tệ nhất cũng có thể bỏ lại phía sau tương đối nhanh”, ông Rhodes nói.
Tại nhiều nơi khác ở châu Á, chiến lược tập trung vào khu vực của ông Obama dường như nặng về khẩu hiệu hơn kế hoạch hành động cụ thể. Nhưng tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, ông dường như sắp đạt được mức tiến triển mà người tiền nhiệm Clinton chỉ có thể tưởng tượng ra trong chuyến thăm đầu tiên, 10 tháng trước loạt tấn công khủng bố 11/9 làm thay đổi những ưu tiên trong chính sách của Mỹ.
Ông Obama đã khẳng định rõ rằng, chủ nghĩa thực dụng sẽ lấn át những yếu tố khác. Từ quan điểm thực tế, một quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam sẽ gây tác động nhỏ, vì Việt Nam vẫn chủ yếu mua vũ khí từ Nga, nhưng mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng. “Sự cân bằng khéo léo là chúng ta vừa phải có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc vừa phải có khả năng cứng rắn trong một số vấn đề”, ông Rhodes nói.
Tổng thống Barack Obama bước xuống sân bay Nội Bài từ chuyên cơ Air Force One. |
Một dạng nâng cấp quan hệ
Bài viết mang tựa đề “Đến Việt Nam, ông Obama tìm cách biến kẻ thù cũ thành đối tác mới” của hãng tin Reuters phát hôm qua cho rằng, 4 thập kỷ sau Chiến tranh Việt Nam, ông Obama, nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên thuộc thế hệ trưởng thành sau cuộc chiến gây chia rẽ sâu sắc xã hội Mỹ, sẽ tìm cách làm sâu sắc quan hệ kinh tế và quốc phòng với Việt Nam, đồng thời giải quyết những khác biệt về vấn đề quyền con người.
Trong chuyến thăm mang tính bước ngoặt này, ông Obama chịu áp lực phải dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương kéo dài suốt 32 năm qua đối với Việt Nam, một trong những dấu vết còn sót lại của quan hệ thù địch thời chiến.
Hợp tác quân sự gần gũi hơn với các đồng minh và đối tác là một hướng đi trong chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama.
“Chúng tôi muốn thể hiện rằng, chuyến thăm lần này là một dạng nâng cấp đáng kể quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, ngay cả khi hai bên vẫn còn những lĩnh vực khác biệt”, ông Ben Rhodes nói. Washington muốn Hà Nội mở cửa hơn nữa trên mặt trận kinh tế và hợp tác gần gũi hơn về quân sự, trong đó có việc cho phép tàu chiến Mỹ tăng cường các chuyến thăm, và có thể vào cảng Cam Ranh, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết.
Đề cập vấn đề Biển Đông GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cho rằng, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam, hai bên sẽ đề cập vấn đề Biển Đông, cụ thể là ủng hộ phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực và kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. “Hai bên cũng có thể thể hiện quan ngại của họ về các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng không nêu đích danh Trung Quốc”, GS Thayer dự đoán. Theo ông, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ sẽ công nhận rằng, có nhiều bên có lợi ích ở Biển Đông và họ có thể giúp giải quyết các căng thẳng hiện nay. Vì Tổng thống đắc cử của Philippines đến cuối tháng 6 mới nhậm chức, nên giai đoạn chuyển giao quyền lực này, Trung Quốc đang tận dụng để lôi kéo Philippines, hy vọng làm giảm ảnh hưởng của Washington đối với Manila, GS Thayer nhận định. Nhưng Trung Quốc cũng đang thực hiện chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn hòng làm giảm uy tín của tòa trọng tài quốc tế và sức nặng của một phán quyết nhiều khả năng sẽ có lợi cho Philippines. Về khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, GS Thayer cho rằng, nếu Washington có làm như vậy thì Hà Nội cũng vẫn phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý khác của Mỹ khi mua vũ khí sát thương. “Tôi nghĩ rằng, tương lai nằm ở sự phát triển thương mại quốc phòng và chuyển giao công nghệ quốc phòng trong một giai đoạn dẫn tới việc cùng sản xuất. Rõ ràng là Việt Nam sẽ được phép mua radar hiện đại và máy bay tuần thám biển, nếu Việt Nam đủ tiền trả”, ông Thayer nói. |
Theo Tiền Phong