Cụ thể, theo số liệu của chính Tổng LĐLĐ, chỉ tính đến ngày 21/9/2015, số xe ôtô mà cơ quan này sử dụng có 327 chiếc. Trong đó, có 6 xe phục vụ riêng các chức danh lãnh đạo (1 chiếc phục vụ Chủ tịch và 5 chiếc cho 5 Phó chủ tịch), 315 xe phục vụ công tác chung và có 6 xe chuyên dùng.
Ngân sách khó khăn, xe công vẫn tràn lan (Ảnh minh hoạ) |
Từ thời điểm đó đến nay, tại Tổng LĐLĐ Việt Nam, không phát sinh việc điều chuyển xe trong nội bộ cơ quan này và cũng không có việc điều chuyển, tiếp nhận xe từ các bộ, ngành, địa phương khác cũng không có việc thanh lý xe. Nhưng qua rà soát lại, số xe dư thừa, được chính cơ quan này xác định, lên tới 75 chiếc.
Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ VN báo cáo, cả 75 chiếc xe trên đã "đủ điều kiện thanh lý". Đáng chú ý, cùng với đề nghị thanh lý đó, Tổng LĐLĐ lại đề nghị cho mua mới 30 xe tại những đơn vị đã đủ tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ôtô nhưng số xe hiện có không đảm bảo an toàn, phải thanh lý.
Về phía Cục Quản lý Công sản (QLCS), Bộ Tài chính, qua rà soát số xe phục vụ công tác chung của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Cục này cho biết, tổng số xe hiện có của Tổng LĐLĐ Việt Nam có 315 xe, còn theo số liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước thì cơ quan này có 281 xe. Về định mức sử dụng xe thì Tổng LĐLĐ cho biết có 240 xe nhưng Cục QLCS, số xe Tổng LĐLĐ được sử dụng là 233 chiếc, giảm 7 chiếc so với tính toán của Cục QLCS.
Do đó, số xe công được cho là dư thừa tại Tổng LĐLĐ Việt Nam, theo Cục QLCS là 82 chiếc chứ không phải 75 chiếc.
Chính vì tình trạng dư thừa lớn như trên, Cục QLCS dự kiến trình lãnh đạo Bộ Tài chính điều chỉnh số liệu xe ôtô phục vụ công tác chung theo tiêu chuẩn, định mức toàn ngành là 233 xe và Bộ Tài chính sẽ đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam điều chuyển nội bộ số xe ở nơi thừa sang nơi thiếu.
Với số 75 chiếc xe mà Tổng LĐLĐ cho là dư thừa, đã đủ điều kiện thanh lý (15 năm hoặc sử dụng ít nhất 25 vạn km), Cục QLCS dự tính trình Bộ Tài chính thống nhất cho thanh lý số xe này. Với 7 xe dôi dư do Cục QLCS phát hiện, cơ quan này đề nghị Tổng LĐLĐ lập danh sách bổ sung và đề xuất phương án xử lý sau.
Riêng về đề xuất mua mới 30 chiếc nữa của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Cục QLCS trình các phương án khác nhau để lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét. Theo Cục này, Tổng LĐLĐ phải làm theo hướng dẫn mua sắm xe công mới theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ theo hướng có thể điều chuyển từ nơi khác về còn nếu không có xe điều chuyển, không có nguồn thì có thể mua xe mới.
Tuy nhiên, theo Cục QLCS, hiện Tổng LĐLĐ Việt Nam đang thừa xe, trong số xe dôi dư lại có một số xe mới sử dụng 14 năm (mặc dù đủ điều kiện thanh lý do đã chạy trên 25 vạn km) nhưng vẫn có thể sử dụng trong khi nhu cầu thay thế không phải cấp thiết. Nên "Cục QLCS dự tính trình lãnh đạo Bộ Tài chính để Cục này yêu cầu các đơn vị có số xe dôi dư báo cáo trước 30/4/2016. Nếu còn xe dôi dư, còn hạn sử dụng thì điều chuyển cho Tổng LĐLĐ, nếu không thì Cục QLCS mới có ý kiến chính thức để Tổng LĐLĐ mua sắm (mới)", nguồn tin của PV cho biết.
Riêng về đề xuất của Tổng LĐLĐ đề nghị Bộ Tài chính có cơ chế đặc thù về định mức sử dụng xe cho LĐLĐ Hà Nội và LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh, Cục QLCS cho là "chưa có cơ sở xem xét, giải quyết". Cơ quan này cũng yêu cầu Tổng LĐLĐ điều chỉnh lại số xe ôtô tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước để đảm bảo thống nhất.
Theo Dân Trí