Chợ Kim Biên thường bị xem là “tội đồ” mỗi khi có một vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến hóa chất. TP.HCM muốn quy hoạch một trung tâm mua bán hóa chất để thay chợ Kim Biên. Đó có phải là giải pháp?
“Chợ Kim Biên hết bán hóa chất công nghiệp”
Các con đường quanh chợ Kim Biên (quận 5) như đường Kim Biên, đường Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe… có gần trăm hộ kinh doanh hóa chất. Vào vai một người có nhu cầu mua hàng, chúng tôi không cần xuất trình bất kỳ giấy tờ gì cũng dễ dàng mua được một số hóa chất, dù mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu người mua hóa chất lẻ phải xuất trình CMND, như ở khách sạn phải đăng ký.
Tại một cửa hàng, người chủ nhiệt tình hướng dẫn cách sản xuất nước rửa chén chỉ với sáu loại hóa chất. Người này chỉ tay vào từng bình hóa chất không nhãn mác nói: “Cái này là tẩy dầu, cái này bột tạo mùi, màu, muối, bột đặc, tạo bọt. Cô cứ trộn lại là được”.
Tương tự, một cửa hàng khác bày bán những gói bột màu, sáp ong, dầu paraffin, chất tạo bóng... cũng nhiệt tình chỉ cách sản xuất son môi mà không cảnh báo gì về sức khỏe hay an toàn cho người dùng.
Theo Ban Quản lý (BQL) chợ Kim Biên, chợ này có trên 500 sạp, trong đó có 16 hộ kinh doanh hương liệu phụ gia thực phẩm. Hiện không còn hộ nào kinh doanh hóa chất công nghiệp nữa nên BQL chợ chỉ có thể yêu cầu họ trưng bày hàng hóa phải có nhãn mác, có giấy chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. “Nếu phát hiện có sai phạm, chúng tôi sẽ lập biên bản xử lý, nặng nhất là đình chỉ kinh doanh. Ngoài ra, BQL cũng định kỳ kiểm tra hồ sơ xuất nhập hàng, có lưu giữ hóa đơn, chứng từ… và yêu cầu các hộ không được sang chiết tại chỗ” - đại diện BQL chợ Kim Biên nói.
Một cửa hàng bán hóa chất ở chợ Kim Biên. |
Phải quản lý đường đi của hóa chất
Một chuyên gia về kiểm nghiệm hóa chất tại TP.HCM cho biết theo Luật Hóa chất thì tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất để sản xuất sản phẩm, hàng hóa phải lưu trữ thông tin về hóa chất sử dụng. Nếu là hóa chất nguy hiểm còn phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về hàm lượng, tiêu chuẩn chất lượng của hóa chất...
Đối với hóa chất độc thì phải có phiếu kiểm soát mua bán (có các thông tin như tên hóa chất, số lượng, mục đích sử dụng; tên, chữ ký người mua, người bán; địa chỉ, số CMND của người đại diện bên mua và bên bán). Việc mua bán phải có xác nhận của hai bên và các bên mua bán phải lưu giữ những giấy tờ này ít nhất năm năm.
“Đề xuất quản lý hóa chất bằng cách bắt người mua phải trình CMND chỉ áp dụng đối với người mua hóa chất nguy hiểm, chất độc” - ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường Sở Công Thương, cho biết thêm.
Tuy vậy, chuyên gia kiểm nghiệm hóa chất trên cho rằng việc kiểm soát hóa chất trọng tâm nhất vẫn là kiểm soát thông qua sản phẩm. “Bất kể doanh nghiệp (DN) mua hóa chất ở đâu, số lượng bao nhiêu, cứ kiểm nghiệm sản phẩm mà không đúng tiêu chuẩn thì xử phạt, tiêu hủy sản phẩm” - chuyên gia này nói.
Ông cũng đề xuất phải áp dụng cách kiểm soát như châu Âu đang làm. Theo đó, quy định REACH (đăng ký, đánh giá, cấp phép, hạn chế hóa chất) của châu Âu buộc các DN đăng ký những loại hóa chất sử dụng. Ví dụ, DN may mặc phải đăng ký để quản lý mùi hương trong quần áo, các chất nhuộm, xử lý vải... với hồ sơ kỹ thuật sử dụng hóa chất cụ thể.
“Chính vì quy trình quản lý khắt khe này mà DN nước ngoài chỉ định DN Việt Nam gia công từ những nguồn nguyên phụ liệu họ chỉ định. Chỉ vì họ có thể chắc chắn nhà cung cấp nguyên phụ liệu đảm bảo quy trình sử dụng hóa chất an toàn trên thực tế và đầy đủ cả hồ sơ hóa chất” - chuyên gia này giải thích.
|
Theo PLO