Sáng ngày 6/12, chất vấn giám đốc sở Công thương TP.HCM Nguyễn Văn Lai, đại biểu Từ Minh Thiện đặt câu hỏi: “Hiện nay tại chợ Kim Biên người dân mua bán hoá chất độc hại rất dễ dàng. Vậy việc quản lý nhà nước đối với hoạt động trên như thế nào?”
Chợ hóa chất Kim Biên (Ảnh minh họa - Nguồn: Phapluattp
Giám đốc sở Công thương đáp: “Đang có quy hoạch di dời chợ Kim Biên ra ngoài. Khi chợ này được di dời sẽ chấm dứt tình trạng mua bán hoá chất độc hại. Tuy nhiên, phải mất vài ba năm việc di dời và xây chợ mới mới hoàn thành”.
Không thoả mãn với câu trả lời của giám đốc Lai, ĐB Từ Minh Thiện nói: “Cái quan trọng là khâu quản lý Nhà nước chứ không phải di dời chợ là giải quyết được vấn đề (hoá chất độc hại – PV)”. Trước cách đặt vấn đề này, ông Lai xin khất để “được trả lời bằng văn bản”.
ĐB Trần Ngọc Thanh hỏi: “Hiện nay có tình trạng người tiêu dùng sử dụng tiền thật nhưng mua phải hàng giả, hàng nhái, vậy công tác quản lý Nhà nước ở lĩnh vực trên như thế nào? Giải pháp nào để đấu tranh với hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng?"
Ông Lai trả lời rằng: "Hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng là vấn đề được cả nước quan tâm chứ không riêng gì TP.HCM. Tại TP.HCM, thời gian qua, các vụ phát hiện được tập trung nhiều trong lĩnh vực thời trang và nhập lậu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, số vụ phát hiện tại thành phố so với cả nước còn rất thấp”.
Trước đó, trả lời chất vấn của các đại biểu về các giải pháp mạnh để giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu; phương án nào để kiềm chế tăng giá...
Ông Lai cho biết, vừa qua ngân hàng Sacombank đã ký kết với thành phố gói 1.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tính chung, đến nay đã có 22 doanh nghiệp được vay 11.000 tỉ đồng và 7 triệu USD với mức lãi suất phổ biến từ 10 – 13%; nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất trong chương trình vốn kích cầu…
“Theo nhận định chung của tôi, hầu hết những doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn là vì đầu tư trái ngành, chủ yếu là bất động sản, trong khi thị trường này sẽ còn gặp khó khăn trong thời gian tới”, ông Lai nhận định.
Được đề nghị nói thêm về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Danh, quyền giám đốc sở Xây dựng, cho hay, hàng tồn kho trong bất động sản là “rất lớn”.
Tính đến nay, giá trị tồn kho khoảng 30.000 tỉ đồng. Cụ thể, tồn kho 74 dự án chung cư với 24.000 tỉ đồng; 17 dự án thấp tầng với 2.400 tỉ đồng; bất động sản cho thuê hơn 11.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, khảo sát 1.300 dự án nhà ở trên địa bàn thành phố cho thấy, có tới 242 dự án chưa triển khai; 37 dự án phải tạm ngưng xây dựng với quy mô 107ha đất. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp như cho các doanh nghiệp bất động sản được gia hạn tiền sử dụng đất; cho phép các dự án đền bù 50% được gia hạn…