Miệng “kẻ sang” có gang có thép?

Thứ sáu, 07/12/2012, 10:50
Tổng Ngô từ tỉnh Hải Nam lại uốn lưỡi: việc ngăn chặn và khám xét tàu thuyền qua lại trên Biển Đông “chỉ” là sáng kiến của địa phương, còn phải trình Bắc Kinh phê duyệt (?)
>>Mỹ yêu cầu Trung Quốc làm rõ quy định khám xét tàu trên Biển Đông
>>Ấn Độ có thể điều quân bảo vệ lợi ích ở Biển Đông

Trung Quốc buộc phải lùi một bước trong vấn đề Biển Đông trước sức ép quốc tế? Phải chăng các phản ứng của Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước trong vùng, từ Ấn Độ đến Singapore, từ Indonesia đến Philippines… đã khiến Trung Quốc phải xuống thang trong mưu đồ tự trao cho mình quyền chặn giữ tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển đang có tranh chấp?

Lùi hay tiến vẫn là một duộc
 

Ngô Sỹ Tồn với những phát biểu ngông cuồng

Những câu hỏi trên đang được đặt ra sau khi Ngô Sĩ Tồn, tổng giám đốc sở Ngoại vụ Hải Nam, kiêm viện trưởng viện Nghiên cứu Nam Hải, một cơ quan tham vấn cho chính quyền Bắc Kinh về Biển Đông, vừa khẳng định lại tính chất địa phương, cục bộ của quyết định gây tranh cãi suốt cả tuần nay.

Theo Reuters, ngày 5.12, ông Ngô Sĩ Tồn thừa nhận, quy định mới về chặn xét và bắt giữ tàu ngoại quốc được tỉnh này thông qua vào hạ tuần tháng 11, chỉ là một sáng kiến của cấp tỉnh.

Tuy nhiên, trước đây mấy ngày, phát biểu với đặc phái viên New York Times, Ngô Sĩ Tồn nhắc lại các quy tắc được cơ quan luật pháp Hải Nam thông qua vào tuần trước đó. Một phần các quy định, theo lời ông Ngô là để đối phó với sự gia tăng của các tàu đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, quần đảo mà ông thừa nhận là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đang đòi chủ quyền. Ông Ngô còn cho biết thêm, các quy định này được thảo luận từ một năm nay, nhằm bổ sung vào các quy tắc đã có từ năm 1999.

Một lần nữa, nhân vật này lại chĩa mũi nhọn vào Việt Nam khi ông ta nhấn mạnh: “Quy định mới nhằm vào các nước láng giềng mà các hành vi xâm nhập chủ yếu quanh vùng quần đảo Hoàng Sa. Trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều tàu cá Việt Nam xâm nhập vào vùng Hoàng Sa, nhưng đến nay không có cơ sở luật định để trừng phạt”.

Trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại, quan chức này cho biết: “Đây không phải là sáng kiến của Bắc Kinh. Chính các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương đã khởi xướng điều này”. Ông Ngô Sĩ Tồn nói rõ thêm, các quan chức tỉnh của ông “chắc chắn phải báo cáo lên cấp trên và chắc chắn sẽ phải xin ý kiến từ các ban bộ hữu trách”.

Hải Nam không phải là địa phương duy nhất thông qua các lệnh càn rỡ liên quan đến việc hành hung ngư dân Việt Nam trên biển. Thời gian gần đây, tỉnh Chiết Giang và tỉnh Hà Bắc cũng đã thông qua các quy định ngang ngược trong cái gọi là “nỗ lực bảo vệ biển đảo” tại những vùng tranh chấp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Theo thống kê của chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi, năm ngoái có tới 17 tàu thuyền Việt Nam với 200 ngư dân đã bị bắt giữ. Trong số này nhiều người đã bị tịch thu tài sản, tàu thuyền, bị bỏ tù và buộc phải nạp tiền chuộc.

Đồng minh tự nhiên của Việt Nam

Trong một lập luận có thể coi như âm mưu chia rẽ Việt Nam với phần còn lại của thế giới đang công phẫn trước việc các tuyến hàng hải quốc tế qua lại Biển Đông bị Trung Quốc gây khó dễ, quan chức tỉnh Hải Nam nói trên đã nhắc lại lời hứa của chính quyền Bắc Kinh: “Trung Quốc cam kết là tàu thuyền ngoại quốc luôn được hưởng quyền tự do lưu thông tại vùng Biển Đông, không hề bị ảnh hưởng của các quy định mới đó, cũng như không bị tác động của các tranh chấp chủ quyền”.

Trước các phản ứng hầu như đồng loạt của Hoa Kỳ và nhiều nước Đông Nam Á đối với các bước leo thang của Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch chặn xét tàu của Bắc Kinh sẽ khó có thể thực hiện được trong khuôn khổ công pháp quốc tế hiện hành, và có thể gây phản tác dụng về mặt kinh tế cho chính nước này. Lý do là vì việc chặn xét tàu nước ngoài ở Biển Đông sẽ gây xáo trộn các thị trường tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến mậu dịch thế giới và như thế sẽ lây lan đến Trung Quốc.

Về phần mình, Việt Nam đương nhiên phải gấp rút xây dựng lực lượng trên mọi phương diện, “cứng” lẫn “mềm” và kể cả “sức mạnh thông minh”. Cách đây ba hôm, ngày 4.12, chúng ta đã công bố tin thành lập lực lượng tuần tra để bảo vệ các khu vực đánh cá của Việt Nam trên Biển Đông.

Tổng cục trưởng tổng cục Thuỷ sản, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tâm cho biết là kể từ ngày 25.1 năm tới, các tàu của lực lượng kiểm ngư thuộc tổng cục Thuỷ sản sẽ được triển khai để ngăn chặn mọi hoạt động đánh cá trái phép trên vùng biển của Việt Nam.

Mặt khác, chúng ta rất coi trọng hệ thống đối tác chiến lược đã có với Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Anh, Hàn Quốc… và đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và một số nước khác. Hạt nhân của đối tác chiến lược chính là chuỗi hợp tác về an ninh, trong đó, an ninh hàng hải có nội hàm khá rộng lớn.

TRẦN HIẾU CHÂN
Theo SGTT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích