Trong khi cần vốn nóng, các cánh cửa từ ngân hàng đều đóng lại, nhiều người đã tìm đến “tín dụng đen”. Không ít người đã chấp nhận đi vay với lãi suất cắt cổ hoặc ký vào những “bản hợp đồng ép chết” với những điều khoản cực kỳ vô lý.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, nổ súng giết người, cướp tài sản... để giải quyết nợ vay, gây kinh hãi.
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn xảy ra 506 vụ đòi nợ theo kiểu khủng bố, trong đó có những vụ nổ súng, mang chất nổ đến nhà “con nợ” với ý định cho nổ tung tất cả...
Ngôi nhà mà Lương mang súng và mìn tự tạo đến để “quyết tử” nếu không đòi được nợ.
Gần đây nhất có vụ Hà Phương Lương (SN 1962, trú tại phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội), vào ngày 24/11 đã tìm đến số 20/114 Yên Phụ, Phường Yên Phụ để đòi nợ.
Khi đi Lương mang theo súng, mìn tự chế với ý định đánh sập căn nhà nếu không đòi được tiền. Hôm đó, sau khi bắn bị thương một người, Lương đã tử vong do sức ép từ quả mìn tự chế.
Tại Thanh Hóa, trưa ngày 6/1, Hoàng Ngọc Hiện (trú tại thành phố Thanh Hóa) tới nhà Nguyễn Văn Sơn (ở thành phố Thanh Hóa) để đòi nợ.
Sau một hồi to tiếng, Sơn đã rút súng ra bắn chết Hiện ngay tại cửa nhà mình rồi sau đó tự sát bằng chính khẩu súng vừa bắn chết nạn nhân.
Những vụ đòi nợ kinh hoàng kể trên đã gây tâm lý bất an cho người dân. Vậy đâu là nguyên nhân khiến những vụ đòi nợ kiểu xã hội đen thời gian gần đây diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp như vậy?
Theo đánh giá của Cục CSHS (C45) - Bộ Công an, thời gian qua, do chịu ảnh hưởng của những biến động chính trị và kinh tế thế giới, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn đã tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao không có sự đảm bảo của pháp luật dạng “tín dụng đen” diễn ra phức tạp.
Khi kinh tế phát triển, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng đều phát sinh lãi và khả năng thanh toán còn.
Khi suy thoát kinh tế, giá bất động sản vàng, chứng khoán biến động, ngân hàng xiết chặt các điều kiện cho vay, người dân phải tự huy động vốn để trả vòng quanh cho nhau.
Việc tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, tổ chức tín dụng còn hạn chế. Các hộ kinh doanh, cá nhân muốn vay vốn gặp nhiều khó khăn do thủ tục rườm rà, đòi hỏi có phương án kinh doanh, chứng từ giải ngân...
Các vụ vỡ nợ trong thời gian qua là hệ quả của một thời gian dài công tác quản lý hoạt động tín dụng tư nhân bị buông lỏng do tính chất linh hoạt của loại hình cho vay này không cần nhiều thủ tục, không cần khai báo mục đích vay...
Bản hợp đồng “ép chết”
Tháng 11/2012, Công an Hà Nội nhận được đơn tố cáo của chị Lan Anh, ở Hưng Yên (tên nhân vật đã thay đổi - PV) về việc cả gia đình chị đang sống yên ổn bỗng bị “đấu gấu” kéo đến đòi nhà, đuổi cả gia đình chị ra đường.
Theo nội dung lá đơn của chị Lan Anh, vợ chồng chị có 2 ngôi nhà ở Hà Nội.
Do không có hộ khẩu Hà Nội nên vợ chồng chị đã nhờ anh ruột tên T. đứng tên sổ đỏ. Năm 2009, người anh chồng đã giấu vợ chồng chị Lan Anh mang thế chấp giấy tờ cả 2 ngôi nhà để vay tín dụng đen của người đàn bà tên B.
Trong bản hợp đồng vay và cho vay tiền, với bên cho vay (bên A) là chị B. đưa ra những điều kiện cho bên đi vay là anh T. cực kỳ vô lý.
Nội dung bản hợp đồng ghi rõ: “Lãi suất là do bên B. đi tham khảo ở thị trường vay vốn và tự đề nghị với bên A”. Ngoài ra: “Nếu bên B không thanh toán cho bên A số tiền đã vay thì bên B tự nguyện để bên A được quyền sử dụng biện pháp tịch thu và thanh lý tài sản của bên B để thu hồi vốn gồm: tiền gốc và tiền lãi. Việc định giá tài sản bị tịch thu do bên A sẽ quyết định...”.
Vì lãi suất quá cao, anh T. không thanh toán được nợ đã bỏ trốn. Đến tháng 3/2010, người đàn bà tên B. đứng hợp đồng bên A đã đến nhà chị Lan Anh xiết nợ.
Khi anh T. vay nợ hai lần, tổng cộng 900 triệu đồng, sau khi bỏ trốn, chị B. đến đòi gia đình anh T. phải thanh toán riêng tiền lãi tính ra là 240 triệu đồng/ tháng.
Đến tháng 5/2012, vợ chồng chị Lan Anh tìm đến chị B. với thiện chí trả nợ cho anh T. cả gốc và lãi là 2 tỷ đồng. Thế nhưng, chị B. đòi phải trả đúng 6 tỷ đồng. Sau thương lượng, người đàn bà tên B. đồng ý rút xuống 4 tỷ đồng, nếu trả đủ thì mới trả giấy tờ nhà cho chị Lan Anh.
Chị Lan Anh cho biết, thời điểm đó, chị bán cả 2 ngôi nhà đi mới được 4 tỷ đồng. Như vậy là chị B. đã cố tình ép, chiếm đoạt cả 2 ngôi nhà của chị.
Và trong lúc gia đình chị Lan Anh đang sống trong ngôi nhà của mình, B. đã cho “đầu gấu” đến đuổi ra ngoài và tuyên bố sẽ cho người khác đến ở.
Câu chuyện của chị Lan Anh phần nào phản ánh hoạt động “tín dụng đen” đã “ép chết” người cho vay như thế nào với kiểu: “Việc định giá tài sản bị tịch thu do bên A sẽ quyết định...”.
Theo đánh giá của C45, hoạt động “tín dụng đen” là hoạt động kinh doanh đặc biệt với đặc trưng cơ bản là giao dịch ngầm, khi giao dịch không báo chính quyền địa phương.
Đây là một trong nhiều nghề sinh lời nhanh, với thủ tục cho vay lỏng lẻo khiến cho nhiều người tìm đến nó, bất chấp những rủi ro và hậu quả đã được báo trước.
Lợi dụng sơ hở của pháp luật chuyển hóa việc vay nợ bằng phương thức mua bán, thế chấp tài sản có giá trị (nhà đất, ô tô) với giá thấp có công chứng hoặc buộc nạn nhân phải làm thủ tục bán cho đối tượng nhằm hợp pháp hóa việc cho vay.
Sau đó, cho nạn nhân thuê lại trong thời gian ngắn nhằm tạo thuận lợi cho việc chiếm đoạt nếu “con nợ” đến hạn không có khả năng thanh toán.
Đối tượng cho vay tín dụng đen đáng chú ý là những băng nhóm chuyên cho vay lãi nặng được tổ chức một cách chặt chẽ, tập hợp nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn, sẵn sàng dùng các thủ đoạn tàn ác, trái pháp luật với “con nợ” và gia đình họ để thu hồi các khoản tiền lãi cắt cổ và nợ gốc.
Khi vụ án được phát hiện nó biến thành các tội danh như cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng...