Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ngày 25-5, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng thể hiện quan điểm dứt khoát và cứng rắn về Biển Đông và căng thẳng hàng hải châu Á, theo báo Nikkei (Nhật).
Theo Thủ tướng Abe, các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông bắt buộc phải phù hợp với luật pháp quốc tế, không thể thông qua hăm dọa hay bằng cách đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông. Thủ tướng Abe khẳng định Nhật sẽ hoan nghênh một Trung Quốc chủ trương phát triển hòa bình.
Về phần mình, Tổng thống Obama cho biết: “Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, vì thế không ảnh hưởng đến khả năng giải quyết tranh chấp của Trung Quốc". Ông khẳng định: “Chúng tôi rất muốn nhìn thấy một nghị quyết hòa bình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục can dự ở Biển Đông để nghị quyết này được thành hình".
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama cứng rắn về Biển Đông trong cuộc họp báo chung ngày 25-5 |
Cuộc gặp của lãnh đạo hai nước Nhật, Mỹ một phần nhằm thể hiện sức mạnh đồng minh trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thái độ quyết liệt trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Nhật trong ngày hôm nay (26-5). Nikkei dẫn một số nguồn tin ngoại giao Mỹ và Trung Quốc cho biết Trung Quốc lo ngại tuyên bố chung hội nghị sẽ có các lời lẽ cứng rắn về các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đã dùng đầu tư để kín đáo vận động Ý và một số thành viên G7 khác không để Nhật và Mỹ đưa vấn đề Biển Đông ra bàn tại hội nghị. Theo Nikkei, bằng việc nêu vấn đề Biển Đông trước hội nghị thượng đỉnh G7, hai lãnh đạo Nhật và Mỹ rõ ràng muốn đấu lại áp lực này.
Nikkei nhận định có thể tuyên bố chung hội nghị G7 không đề cập cụ thể tên Trung Quốc, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với các “âm mưu đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông”.
Tuyên bố chung đồng thời cũng có thể bày tỏ ủng hộ ba nguyên tắc mà Thủ tướng Abe đã nêu ra trong bài phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Singapore năm 2014: tôn trọng luật pháp, phản đối dùng vũ lực và hăm họa, giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Theo PLO