Nhiều người Anh sững sờ trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU. Ảnh: AFP |
Nỗi bất an càng lan rộng khi các lãnh đạo EU gia tăng áp lực, yêu cầu Anh phải lập tức khởi động tiến trình rời khỏi EU, không cần phải đợi thêm vài tháng nữa như đề nghị của Thủ tướng Anh David Cameron, theo AP.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 đã nhấn chìm đồng bảng Anh và các thị trường chứng khoán toàn cầu.
Các lãnh đạo phe vận động Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, phần lớn vẫn không xuất hiện trước công chúng. Những người chỉ trích cáo buộc họ không có kế hoạch trấn an cuộc khủng hoảng do kết quả bỏ phiếu gây ra. Trong tuyên bố đầu tiên vào sáng 24/6, lãnh đạo phe vận động Brexit, cựu thị trưởng London Boris Johnson đã đăng một bài viết trên tờ Daily Telegraph, kêu gọi đoàn kết và nói rằng "hệ quả tiêu cực của cuộc trưng cầu dân ý bị thổi phồng quá mức".
Ông khẳng định nước Anh sẽ thiết lập "một mối quan hệ mới và tốt hơn với EU dựa trên quan hệ đối tác và thương mại tự do hơn là hệ thống liên bang".
Nguy cơ Vương quốc Anh tan rã
Tuy nhiên, kết quả cuộc trưng cầu dân ý thực tế đang có nguy cơ thúc đẩy một cuộc ly khai chính trị trong nội bộ nước Anh. Bộ trưởng Thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon cho biết bà sẽ cân nhắc việc đề nghị Quốc hội Scotland sử dụng quyền lực của cơ quan này nhằm ngăn chặn Anh rời EU. Theo bà, các nghị sĩ Scotland có thể phá hỏng kế hoạch của phe ủng hộ rời đi bằng cách từ chối tán thành Brexit.
Sturgeon cho hay bà tin tưởng sự tán thành của Scotland là cần thiết đối với Brexit nhưng thừa nhận chính phủ Anh nhiều khả năng sẽ có "một lập trường rất khác".
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý trên toàn nước Anh không được ủng hộ rộng rãi tại Scotland, nơi 62% số phiếu của cử tri ủng hộ Anh ở lại EU. Sturgeon nói bà đang nghiên cứu các phương án để duy trì sự hiện diện của Scotland trong EU.
Vấn đề Scotland đang trở nên cấp bách trước mắt vì theo như lời bà Sturgeon, một cuộc trưng cầu dân ý khác về khả năng Scotland tách khỏi Anh "có khả năng cao" sẽ được tiến hành như là hệ quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit. Cử tri Scotland đã lựa chọn ở lại Anh trong một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cho Scotland hồi năm 2014. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc Anh rời khỏi EU có thể sẽ thúc đẩy phong trào đòi độc lập ở Scotland.
Tại Bắc Ireland, một bộ phận của Vương quốc Anh, Thứ trưởng Thứ nhất Bắc Ireland Martin McGuinness cho hay ưu tiên của ông là thiết lập các "thỏa thuận đặc biệt" để Bắc Ireland duy trì các mối quan hệ với EU. Những người phản đối Brexit cũng đề cập đến việc sử dụng quyền lực của hội đồng lập pháp Bắc Ireland để ngăn cản Anh rời EU.
Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, đa số cử tri Bắc Ireland cũng bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU. Không khí bất mãn ở Scotland và Bắc Ireland trước kết quả cuộc bỏ phiếu đang khiến nhiều người có suy nghĩ cho rằng Brexit dần dần sẽ dẫn đến hệ quả Vương quốc Anh tan rã.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland Theresa Villiers gạt đi ý tưởng Quốc hội Scotland hay Hội đồng lập pháp Bắc Ireland có quyền ngăn chặn Anh rời khỏi EU. Bà cho hay quyền quyết định hoàn toàn thuộc về Quốc hội Anh.
"Trong vài tuần hoặc vài tháng tới, chúng tôi sẽ làm việc với chính phủ Scotland và Bắc Ireland về tất cả những vấn đề này. Nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội Anh", bà Villiers nhấn mạnh.
Giáo sư luật, đồng thời là nghị sĩ Quốc hội Scotland Adam Tomkins, nhất trí với ý kiến của bà Villiers. Nghị sĩ đảng Bảo thủ này cho biết thật "vô nghĩa" khi nghĩ phía Scotland có thể ngăn cản Anh rời EU chỉ bằng cách từ chối Brexit.
Cuộc nổi loạn ở Công đảng
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã rút ngắn nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Cameron. Ông thông báo sẽ từ chức khi đảng Bảo thủ cầm quyền bầu chọn được ra lãnh đạo mới, người có nhiệm vụ khởi động tiến trình đưa Anh ra khỏi EU.
Tân lãnh đạo đảng Bảo thủ, người sẽ trở thành Thủ tướng Anh, dự kiến ra mắt vào tháng 10 tới. Khi đó, ông này có thể kêu gọi tổ chức bầu cử sớm để củng cố sự ủng hộ từ cử tri. Khả năng một cuộc tổng tuyển cử diễn ra trong tương lai gần dường như đã châm ngòi cho cuộc nổi loạn chống lại lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn vốn âm ỉ suốt nhiều tháng qua, theo CNN.
Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng Anh, đang đứng trước một cuộc nổi loạn của các thành viên cấp cao trong đảng này. Ảnh: Reuters |
Ông Corbyn, bị nhiều thành viên Công đảng chỉ trích vì không thể hiện tốt lập trường ủng hộ ở lại EU, lần đầu tiên đối mặt với cuộc nổi loạn công khai của các thành viên cấp cao trong nội các đối lập. Theo hệ thống nghị viện Anh, nội các đối lập là một nhóm nghị sĩ cấp cao của đảng đối lập được giao nhiệm vụ phê phán các chính sách của chính phủ. Mỗi nghị sĩ trong nhóm này sẽ được bổ nhiệm vào một chức danh bộ trưởng và hoạt động như người phát ngôn.
11 nghị sĩ cấp cao của Công đảng trong nội các đối lập đã từ chức hôm 26/6 sau khi ông Corbyn sa thải Ngoại trưởng Hilary Benn của nội các đối lập vì lên kế hoạch lật đổ ông. Những người này bao gồm bộ trưởng đối lập phụ trách các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, nông thôn và thực phẩm...
Những người bất đồng trong Công đảng muốn ông Corbyn, đại diện cho phe cực tả trong đảng này, bị phế truất trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử tiếp theo bởi họ cho rằng ông không có cơ hội chiến thắng.
Trong thư từ chức, Bộ trưởng Y tế của nội các đối lập Heidi Alexander thẳng thắn tuyên bố ông Corbyn phải ra đi.
"Tôi không tin rằng ông ấy có năng lực định hình những câu trả lời mà đất nước chúng ta đang đòi hỏi. Tôi tin rằng nếu chúng ta thành lập chính phủ mới, thay đổi lãnh đạo là điều cần thiết", bà viết.
Thứ trưởng Tài chính của nội các đối lập Seema Malhotra cũng viết trong thư từ chức gửi ông Corbyn rằng: "Dưới sự lãnh đạo của ông, chúng ta sẽ không thể xây dựng được các cây cầu hàn gắn rạn nứt bên trong đảng, sẽ không trở thành phe đối lập mạnh mẽ mà đất nước này cần hoặc có thể tiếp cận các cử tri cũng như xây dựng niềm tin trong Công đảng".
Trong tuyên bố vào cuối ngày 26/6, ông Corbyn khẳng định không từ chức và sẽ tham gia vào các cuộc tranh cử lãnh đạo mới. Một số thành viên cấp cao trong Công đảng là đồng minh của Corbyn cho hay ông này vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các thành viên cấp thấp, những người đã bầu chọn ông làm lãnh đạo hồi năm ngoái.
"Tôi lấy làm tiếc trước nhiều trường hợp từ chức khỏi nội các đối lập của tôi hôm nay. Nhưng tôi sẽ không phản bội niềm tin của những người đã bầu cho tôi, hay hàng triệu người ủng hộ trên khắp cả nước cần Công đảng đại diện cho tiếng nói của họ", ông Corbyn nói và thêm rằng sẽ thành lập nội các đối lập mới trong vòng 24 giờ tới.
Tìm lại sức mạnh
Phát biểu tại Rome, Italy, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Anh và EU phải quản lý "vụ ly hôn" một cách có trách nhiệm vì quyền lợi của người dân và các thị trường toàn cầu. |
Những lo ngại trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ Brexit đã vượt xa khỏi câu chuyện chính trị của Vương quốc Anh, theo AP.
Hôm 26/6, Giáo hoàng Francis kêu gọi EU đưa ra những phương cách sáng tạo để củng cố đoàn kết EU sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh. Giáo hoàng nhận xét rằng rõ ràng "có điều gì đó không ổn trong liên minh cồng kềnh này".
"EU phải tìm lại sức mạnh từ gốc rễ của nó, một sự sáng tạo và một trạng thái bất đồng lành mạnh, cho phép các thành viên độc lập và tự do hơn", Giáo hoàng Francis nói với các phóng viên.
Ông nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm lúc này là củng cố lại ý chí chung sống với nhau với "sự sáng tạo và đời sống mới".
Phát biểu tại Rome, Italy, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng kêu gọi Anh và EU phải quản lý "vụ ly hôn" một cách có trách nhiệm vì quyền lợi của người dân và các thị trường toàn cầu.
Theo VNE