Bigo Live: Ân huệ của ngành công nghệ dành cho cánh đàn ông

Thứ tư, 29/06/2016, 11:41
Thời gian gần đây, ứng dụng Bigo Live gây bão cộng đồng mạng bởi sự tiện dụng khi người dùng có thể cập nhật trực tiếp hình ảnh cá nhân mọi lúc, mọi nơi.
Mạng xã hội Bigo Live đang làm điên đảo giới trẻ và cánh đàn ông

Là một thanh niên chưa vợ (thậm chí là chưa có bạn gái), tôi cảm thấy rất bức xúc khi biết tin Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ có những biện pháp “mạnh tay” với ứng dụng Bigo Live chỉ bởi ứng dụng đó có dấu hiệu mua bán, trao đổi vật phẩm ảo có thể quy đổi ra thành tiền mặt.

Nhưng trên tất cả, phản ứng của những bà mẹ bỉm sữa và những bạn gái đã có “nơi chốn” còn khiến tôi buồn hơn nữa khi hầu hết mọi người đều đồng lòng rằng nên “bỏ quách cái ứng dụng rác rưởi” đấy đi!

Đúng là cuộc sống sẽ rất khó khăn nếu chúng ta không đặt mình vào vị trí của nhau để cảm nhận. Trong mắt các bạn là thứ rác rưởi, là vi phạm pháp luật nhưng dưới góc nhìn của một người đàn ông đã đứng đứng tuổi mà không một ai theo đuổi thì đó lại là cả một ân huệ mà nền công nghệ dành tặng cho chúng tôi.

Có hai lý do chính mà “phe đối lập” đưa ra để làm luận điểm nhằm xử phạt cũng như “cấm cửa” ứng dụng này. Một là việc ứng dụng này “kinh doanh” ảo nhưng vật phẩm có thể quy đổi ra thành giá trị thực. Hai, nó cổ xúy cho việc lưu truyền hình ảnh đồi trụy trên mạng xã hội.

Thứ nhất, cách kinh doanh của Bigo là hoàn toàn bình thường, hợp pháp trên các kho ứng dụng của IOS hay Android. Vả lại, việc mua bán vật phẩm ảo bằng tiền thật đâu có gì mới mẻ, xa lạ. Chẳng phải hầu hết tất cả những trò game online đều “kinh doanh” bằng hình thức này hay sao? Vậy, tôi – thay mặt những người anh em “phe đồng minh” cũng xin nêu ra vài ý kiến để phản pháo lại những luận điểm trên, tiếp sức cho ứng dụng Bigo Live (và những ứng dụng tương tự) phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Hơn nữa, mục đích chính của ứng dụng này là để làm quen, kết bạn. Và với những người không có nhiều thời gian để gặp gỡ, không có kinh nghiệm trong việc chiều chuộng bạn gái như tôi thì việc sử dụng kim cương ảo (với mức giá chỉ từ 22.000 đồng đến 2 triệu đồng) để mua một món quà (như hoa hồng, nhẫn, vương miện...) nhằm lấy “le” với đối tượng mà mình thích chẳng phải nhanh gọn và tiết kiệm hơn rất nhiều hay sao? Bạn chẳng cần phải suy nghĩ xem nàng thích gì, liệu cái đấy có phù hợp hay không mà chỉ cần nạp tiền, mua tặng, nhấn gửi là có thể dễ dàng ghi điểm trong mắt nàng. Đấy là một trong những lý do mà tôi gọi ứng dụng này là “ân huệ của công nghệ” dành cho chúng tôi.

Thứ hai, nhiều người (đặc biệt là những bà mẹ bỉm sữa) luôn kêu gọi tẩy chay ứng dụng thần thánh này và không quên đặt cho nó một cái tên khác: Động bàn tơ. Bởi chỉ cần bật ứng dụng lên, “lượn lờ” vài vòng là có thể gặp hàng loạt cô gái khoe thân, mời gọi. Đương nhiên, với tư cách là một người vợ thì sao không nóng mắt và phát điên khi những đức ông chồng cứ ngày đêm chăm chú vào những “món lạ”.

Nhưng “lỗi” đó hoàn toàn ở phía ở người dùng chứ không phải lỗi của Bigo Live bởi ứng dụng có nút báo cáo vi phạm để chính người dùng phát hiện và ngăn chặn những tài khoản không tuân theo thuần phong mỹ tục.

Vậy mà có mấy ai báo cáo bởi chính họ cũng là những người ham thích và tò mò những thứ văn hóa như vậy đấy thôi.

Thế nên, tôi nghĩ, nếu phải quy trách nhiệm thì có lẽ tất cả đều do những bà vợ không biết tự chăm sóc cho bản thân, không đủ quyến rũ để chồng phải kiếm “món lạ” bên ngoài và cũng trách chính những ông chồng kia khi “góp gió, tạo bão” khiến chị em nổi cơn tam bành và đòi xóa sổ một ứng dụng tuyệt vời dành cho những chàng trai “ế” như chúng tôi!

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích