Vụ Brexit: Thủ tướng Anh Cameron hối hận!

Thứ tư, 29/06/2016, 15:42
Tại hội nghị cuối cùng với các nguyên thủ châu Âu vào chiều qua 28-6, Thủ tướng sắp từ chức của Anh quốc, ông David Cameron, bày tỏ sự hối tiếc và hy vọng quan hệ tương lai giữa Anh quốc và EU về kinh tế và chính trị sẽ tiếp tục được thắt chặt sau khi cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi khối này (Brexit).
Thủ tướng sắp ra đi của Anh, ông David Cameron, có cuộc họp báo sau hội nghị thượng đĩnh EU vào chiều qua 28-6.

“Nước Anh sẽ rời EU nhưng không quay lưng với châu Âu”, ông Cameron nói với các phóng viên tại cuộc họp báo sau bữa ăn tối mà theo lời ông, ở đó các đối tác châu Âu đều bày tỏ tiếc nuối và tình hữu nghị với nước Anh.

Ông Cameron nói ông mong châu Âu “suy nghĩ lại” chính sách về người nhập cư, chủ yếu là làn sóng di cư của người lao động các nước Đông Âu cũ sang làm việc ở Anh. Nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh nói rằng, ông rất buồn về kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Năm tuần trước. “Người dân nhận ra lợi ích kinh tế của việc ở lại [EU] nhưng có một mối lo ngại rất lớn về sự dịch chuyển của con người và đi cùng với nó là các vấn đề chủ quyền quốc gia. Tôi nghĩ chúng ta cần suy nghĩ về điều đó, EU cần suy nghĩ điều đó”, ông Cameron nói.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu nhận xét, hội nghị các nguyên thủ diễn ra khá lịch sự nhưng đã có ý kiến đồng thuận rằng ông Cameron đã “tự đào huyệt chôn mình” bằng hành động “mắng nhiếc Brussels” kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, nước Anh có tiếp tục được quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu hay không tùy thuộc vào việc Anh quốc có chấp nhận 4 nguyên tắc tự do: tự do luân chuyển hàng hóa, vốn liếng, người lao động và dịch vụ. “Nếu họ không muốn dịch chuyển tự do thì họ sẽ không được tiếp cận thị trường chung”, ông Hollande nói và thêm rằng trung tâm tài chính London có thể sẽ mất vị thế là điểm thanh toán đồng euro.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là “không thể đảo ngược” và khuyên mọi người đừng hy vọng hão vào một cuộc bỏ phiếu lại.

Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu Mario Draghi dự báo tác động của Brexit có thể làm tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro giảm đi khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm trong vòng ba năm tới.

Ông Cameron nói ông không bị áp lực của các nhà lãnh đạo EU buộc ông phải thông báo sớm quyết định rời EU của Anh quốc, song hôm qua Nghị viện châu Âu đã ra một nghị quyết không có tính ràng buộc yêu cầu London kích hoạt điều khoản tự nguyện ra khỏi liên minh càng sớm càng tốt. Điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán về các điều kiện để ra đi của Anh trong hai năm tới đã được khởi động.

Tuy nhiên, phát biểu riêng rẽ, các nhà lãnh đạo châu Âu đều muốn Anh xúc tiến nhanh thủ tục ra đi. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nói với ông Cameron tại hội nghị: “Ngài Cameron tuyên bố hãy chờ vài tháng nữa, người kế nhiệm ông ấy sẽ chính thức thông báo quyết định ra đi. Nhưng như thế nghĩa là số phận của cả châu lục bị biến tành con tin chỉ vì những lý do chính trị nội bộ của đảng ông ấy. Đó là điều không chấp nhận được".

Ông Schulz, thuộc đảng Dân chủ Xã hội Đức, nói lên nỗi lo của nhiều đối tác châu Âu: “Đó không có nghĩa là ổn định, trái lại nó có nghĩa là một sự bất định kéo dài”.

Bà Thủ tướng Merkel thì cho rằng, trước khi thông báo cho EU, London cần có thời gian lấy lại sự cân bằng sau cú sốc chính trị quá lớn, nhưng bà nói thêm rằng, không nên trì hoãn quá lâu.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, đang là chủ tịch luân phiên của châu Âu, nói rằng tình hình nước Anh đang hoảng loạn và nên cho họ thời gian để trấn tĩnh lại. “Nước Anh đã sụp đổ về chính trị, tiền tệ, hiến pháp và kinh tế. Sẽ không hợp lý nếu đòi hỏi họ phải kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon”, ông Rutte nói.

Hôm nay 29-6, lãnh đạo 27 nước còn lại của EU sẽ họp thượng đỉnh, lần đầu tiên không có nước Anh kể từ khi nước này tham gia EU năm 1973. Hội nghị sẽ bàn việc ứng xử với Anh sau khi nước này ra đi và con đường đưa EU tiến lên không có Anh. Dự báo hội nghị cũng sẽ quyết định việc dời Ủy ban Ngân hàng châu Âu (European Banking Authority) hiện đang đặt tại London, về Frankfurt (Đức) hoặc Paris (Pháp).

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích