Thấy gì từ vụ hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động “chui”?

Thứ năm, 07/07/2016, 10:04
“Phát hiện, xử lý hướng dẫn viên (HDV) du lịch người Trung Quốc hoạt động trái pháp luật là cần thiết, nhưng đó mới là xử lý vụ việc, chúng tôi đang triển khai các biện pháp để giải quyết tận gốc tình trạng này”, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, nói.    
Hướng dẫn vui "chui" người Trung Quốc

Chiều 6/7, ông Trần Sơn Hải chủ trì cuộc họp về quản lý nhà nước đối với hoạt động lữ hành quốc tế và quản lý lao động là người nước ngoài trong các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch ở tỉnh Khánh Hòa. Sau khi cuộc họp kết thúc, ông Trần Sơn Hải đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Theo ông Trần Sơn Hải, UBND tỉnh Khánh Hòa đã mời các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khách Trung Quốc dự cuộc họp chiều ngày 6/7, yêu cầu họ cam kết không sai phạm.

Sở Văn hóa Thể thao tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và UBND thành phố Nha Trang tổ chức và lập phương án hoạt động của các thuyết minh viên tiếng Trung Quốc ở các điểm thường tập trung đông khách du lịch Trung Quốc như Hòn Chồng, Tháp Bà, chùa Long Sơn, Nhà thờ Đá, Viện Hải dương học.

UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức hai đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Du lịch và Sở Công thương chủ trì, làm việc với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế hoạt động trên địa bàn Khánh Hòa, các cơ sở dịch vụ, bán hàng cho khách nước ngoài, yêu cầu họ cam kết chấp hành đúng các quy định của nhà nước về hoạt động lữ hành quốc tế. Nếu có sai phạm sẽ bị xử phạt theo pháp luật, không có ngoại lệ.

“Các sai phạm liên quan đến việc phục vụ khách du lịch Trung Quốc, tôi cho là các cơ quan của tỉnh đã xử lý kịp thời. Như các sai phạm về giá, bên tài chính đã xử phạt nhiều trường hợp, thu về khoảng 1 tỷ đồng.

Nếu có chậm, là chậm trong đề xuất các giải pháp để giải quyết tận gốc tình trạng này. Ví dụ câu chuyện HDV người Trung Quốc, họ làm sai thì mình phải xử, nhưng làm thế nào để đủ lượng HDV phục vụ cho lượng khách Trung Quốc tăng đột biến?

Quy định HDV phải biết tiếng Trung Quốc là đúng rồi, nhưng điều kiện phải tốt nghiệp đại học và có các chứng chỉ kèm theo là không còn phù hợp với thực tiễn. Chúng tôi đang kiến nghị với các cơ quan Chính phủ trong việc điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý các hoạt động du lịch”, ông Hải nói.

Xử phạt hàng loạt HDV Trung Quốc

Ngày 6/7, ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết: Chủ tịch thành phố đã ký quyết định xử phạt hành chính 6 HDV người Trung Quốc, gồm: Huang Wei (SN 1990), Yang Chuan (SN 1972), Xu Zhenghua (SN 1979), Wu Menxing (SN 1992), Yang Chuan (SN 1990) Li Guangping (SN 1979), tất cả hiện đang ở tại số 81 Ngô Thị Sĩ, phường An Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Cả sáu người này bị xử phạt hành chính tổng số tiền 122,5 triệu đồng (mỗi người khoảng trên 20 triệu đồng) vì đã vi phạm hành chính “Người nước ngoài nhập cảnh hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam” theo Nghị định 167/2013/NĐ–CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Riêng Wu Menxing, Li Guangping bị xử phạt thêm hơn 1,2 triệu đồng/người  vì đã vi phạm quy định “Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 15 ngày trở xuống mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép”được quy định tại điểm e, Khoản 2, Điều 17 Nghị định 167.

Thiếu trầm trọng HDVtiếng Trung

Cùng ngày, tại Hội An, Sở VH–TT & DL Quảng Nam họp với thành phố Hội An bàn biện pháp siết chặt kiểm tra, xử lý HDV du lịch “chui”, thuyết minh sai lệch các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn.

Khách Trung Quốc đến Hội An 6 tháng đầu năm tăng đột biến, với 40.000 lượt, trong đó ra đảo Cù Lao Chàm gần 23 ngàn lượt. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng HDV là người Trung Quốc hoạt động chui. Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 1 trường hợp vi phạm, xử phạt 17,5 triệu đồng.

Mới đây, Sở lập đoàn để thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Du lịch Việt Nam, đó là khách đến điểm du lịch phải được HDV người Việt thuyết minh; các HDV phải qua lớp đào tạo hướng dẫn viên di sản. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương hiện nay là vấn đề nhân lực. Cả tỉnh hiện chỉ có 5 HDV du lịch tiếng Trung được cấp thẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT & DL Quảng Nam, Sở đề xuất các công ty lữ hành kết nối với văn phòng hướng dẫn tham quan để bố trí người thuyết minh, tránh để các công ty lữ hành Việt khoán trắng cho đoàn Trung Quốc tự dẫn khách, và thuyết minh sai lệch sự thật.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn