Những địa danh người Sài Gòn đều biết - Kỳ 1: Ngã tư Bảy Hiền truyền thuyết

Thứ năm, 07/07/2016, 17:35
Ai sống ở Sài Gòn, ít nhiều cũng biết vài địa danh. Ở mỗi khu vực những địa danh ăn sâu vào tâm thức như: Ngã tư Bảy Hiền, Ngã năm chuồng chó, Ngã ba ông Tạ... như làm con người thấy gần gũi và thân thương hơn. 
Ngã tư Bảy Hiền đã có trước thời chế độ cũ, được đặt theo tên một điền chủ giàu có ở khu vực và nổi tiếng thương người.
Là một điền chủ giàu có và thương người, luôn ra tay cứu giúp người nghèo khổ, khi về thế giới bên kia, tên ông được người đời nhớ mãi và đặt thành địa danh ‘Ngã tư Bảy Hiền’.
Ngã tư Bảy Hiền, giao lộ nổi tiếng của TP.HCM gắn với các trục đường Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám – Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt (P.3, Q.Tân Bình). Hằng ngày, khi đi qua đây nhiều người vẫn hay nhắc với tên Bảy Hiền. Tuy nhiên, ông là ai? Đối với một số người vẫn là một điều bí ẩn.
Ông Bảy Hiền nổi danh giàu và thương người
Để giải mã địa danh này, những ngày qua Thanh Niên đã tìm hiểu và gặp được một người là cháu đời thứ 3 của ông, đó là ông Trần Văn Đức (80 tuổi, ngụ số 4 Trường Chinh, P.3, Q.Tân Bình). Ông Đức cho biết: “Sinh ra và sống ngay Ngã tư Bảy Hiền từ xưa đến nay. Ông Bảy Hiền tên thật là Trần Văn Hiền, ông bác của tui. Ông nội tui là Trần Văn Nghĩa với ông Hiền là hai anh em ruột”.
Theo ông Đức, ông Bảy Hiền trước đây là điền chủ nổi tiếng giàu có và thương người. Ông ở trong một biệt thự lớn ở ngay góc ngã tư sát Trung tâm văn hóa Q.Tân Bình bây giờ. Khi đó, con đường ở ngã tư này rất nhỏ, nhà ông ngăn cách với đường bằng hàng rào cây kiểng được cắt bằng rất đẹp. Nhà có đất rộng và thuê nhiều người làm. Đất dọc theo đường Hoàng Văn Thụ hướng lên đường Cộng Hòa và ngang theo đường Hoàng Hoa Thám bây giờ đều là ruộng lúa, hoa màu của ổng.
Ngày nay, ngã tư Bảy Hiền vẫn được mọi người thường xuyên gọi như một địa danh mỗi khi qua đây.
Nổi tiếng là người giàu có nhưng ông Hiền rất thương người. Khi xưa, vào ngày rằm hàng tháng, ông đăng báo thông tin thí bạc giúp đỡ người nghèo. Những đồng bạc xu điếu đựng đầy hai thúng được người nhà để trước cổng và phân phát.
Tuy nhiên vào một hôm mọi người tập trung chen lấn đông quá khiến hai đứa trẻ đi theo chết ngạt. Sự việc diễn ra, ổng rất đau buồn và kể từ đó không đăng báo phát tiền nữa mà hễ ai có khó khăn thì đến ngã tư vào nhà trình bày hoàn cảnh khó khăn ông sẽ giúp đỡ.
Sở dĩ ngã tư có tên như ngày nay là vì ông bác tui tên Hiền, sinh thứ Bảy gọi là Bảy Hiền. Khi mất thì ngã tư này cũng được người đời nhớ ơn và đặt theo tên ổng. Khi ổng mất, thì được chôn ở khu vực Lăng Cha Cả.
ông Trần Văn Đức kể lại
“Sở dĩ ngã tư có tên như ngày nay là vì ông bác tui tên Hiền, sinh thứ Bảy gọi là Bảy Hiền. Khi mất thì ngã tư này cũng được người đời nhớ ơn và đặt theo tên ổng. Khi ổng mất, thì được chôn ở khu vực Lăng Cha Cả.
Đến năm 1945, người dân ở miền ngoài di cư vào Sài Gòn sinh sống, làm nhà lấn vào khu vực Lăng Cha Cả. Thấy vậy, chính quyền chế độ cũ mới ra luật nhà nào lấn vào khu vực lăng bao nhiêu mét thì hàng tháng phải trả bấy nhiêu tiền (khi đó 100 tiền/ thước)”, ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, sau khi thống nhất, khu vực Lăng Cha Cả được giải tỏa, người cháu nội của ổng khai quật mộ lên và đem hài cốt vào chùa thờ. Ruộng đất để lại, con cháu cũng dần bán đi và vào sống ở trung tâm thành phố. Còn mảnh đất gia đình tui đang ở là do ông cố để lại và ở đến bây giờ.
“Tuy nổi tiếng giàu có nhưng ông Bảy Hiền chỉ có một vợ, sau khi chết hai vợ chồng mai táng cạnh nhau. Cháu nội ông Bảy Hiền hiện vẫn còn sống, đã ngoài 80 tuổi ở khu vực ngoài Chợ Lớn nhưng tôi không rõ địa chỉ”, ông Đức kể.
Trước đây, đất Ngã tư Bảy Hiền là một đồn điền cao su rộng lớn kéo dài đến tận khám Chí Hòa, sau này khi Mỹ đưa quân vào xâm lược thì rừng cao su mới được xóa bỏ
Ngã tư Bảy Hiền qua bao đổi thay
Chỉ tay về khu vực BV Thống Nhất, ông Đức cho biết những năm 1940 khi Nhật Bản tiến hành xâm lược Đông Dương đã cho lập ở khu vực này một đồn bốt quân sự rất cao. Phía dưới đồn có một căn hầm rộng dùng chứa bom đạn.
Sau này chính quyền chế độ cũ đặt mìn nổ phá đồn này và xây bệnh viện Vì Dân, sau giải phóng đổi tên lại là BV Thống Nhất.
Dưới thời Nhật Bản đưa quân vào Sài Gòn, ngã ba giữa Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ - Lạc Long Quân bây giờ bị cô lập và trồng một rừng cao su rộng lớn kéo dài đến tận khám Chí Hòa. Nhật cô lập vì không muốn thông đường từ Ngã tư Bảy Hiền xuống thẳng Chợ Lớn để bảo đảm an toàn kho vũ khí, kho xăng. Trong rừng cao su cũng có rất nhiều mồ mả từ đời xưa để lại, sau này chính phủ chế độ cũ khai quật lên thì phát hiện nhiều đồ cổ bằng vàng có giá trị.

Chưa biết ông Bảy Hiền là ai?

Trong khi đó, theo tài liệu để lại từ Nhà văn Sơn Nam, Bảy Hiền là tên một ông chủ giàu có chuyên bán cỏ cho ngựa kéo xe ở ngã tư vào khoảng năm 1930 và chưa rõ lai lịch.

Đến khi Mỹ đưa quân vào xâm lược, toàn bộ rừng cao su khu vực được phá bỏ hoàn toàn, mồ mả được khai quật lên và xây nhiều căn nhà cho lính Mỹ và lính chế độ cũ ở. Từ đó, chợ Tân Bình cũng được xây dựng phục vụ kinh doanh và gọi là khu Phú Thọ.
Con đường ở Ngã tư Bảy Hiền những năm 1960 cũng được Mỹ tráng nhựa nhưng hư hỏng và rất nhỏ. Đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ thời Pháp tên Verdun, sau đổi thành QL1 chạy thẳng miết tận Tây Ninh, đến chế độ cũ đổi thành Lê Văn Duyệt.
Còn đường Hoàng Văn Thụ trước kia tên Võ Tánh (đường Lý Thường Kiệt trước kia tên Nguyễn Văn Thoại), kéo dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến chợ Tân Bình. Khu vực chợ Tân Bình khi đó rất sầm uất, đêm đến lính Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất rủ nhau chạy xe máy ào ào về chợ Tân Bình nhậu nhẹt.
Còn theo ông Lương Văn Tòng (65 tuổi, ngụ đường Võ Thành Trang, Q.Tân Bình), trước chế độ cũ đã có Ngã tư Bảy Hiền. Chỉ nghe người xưa kể lại ở khu vực này có một sở cao su, BV Thống Nhất bây giờ trước kia là BV Vì Dân do vợ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xây dựng.
Bệnh viện Thống Nhất cạnh Ngã tư Bảy Hiền trước kia là đồn bốt quân sự của Nhật, sau này bị quân đội chế độ cũ đập bỏ và xây BV Vì Dân, sau giải phóng đổi tên thành BV Thống Nhất.
Theo ông Tòng, lấy tên BV Vì Dân nhưng thực chất là chữa bệnh cho tầng lớp sĩ quan. Sau này mới có thêm dịch vụ khám bệnh cho người dân và mọi chi phí khám bệnh cho người nghèo đều được miễn phí. Đến những năm 1966 – 1975, người Quảng Nam di cư đông vào khu vực này ở và lập nên làng dệt cũng lấy tên Bảy Hiền rất nổi tiếng, hoạt động mãi cho đến bây giờ.
Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích