Đoàn khách du lịch Trung Quốc tham quan một điểm du lịch ở Hà Nội. |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết trên báo chí rằng tỉnh chỉ cấp chứng chỉ HDV tiếng Trung cho 5 người, trong khi lượng khách Trung Quốc đến Hội An 6 tháng đầu năm nay khoảng 40 nghìn lượt. Cơ quan chức năng Khánh Hòa cũng than chỉ có 11 HDV viên tiếng Trung, trong khi tỉnh đón khoảng 18 nghìn lượt khách Trung Quốc.
Không thiếu
HDV tiếng Trung nhiều không thua kém gì HDV tiếng Anh, không thể thiếu được. Đây là nghề di chuyển tự do, nay tỉnh này mai tỉnh khác, nếu Nha Trang đang cần họ sẵn sàng bay vào, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc công ty Hà Nội Redtour nói. Bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cũng khẳng định không hề thiếu HDV tiếng Trung.
Bà Thảo cho biết, riêng Đà Nẵng có hơn 350 HDV tiếng Trung, chưa kể những người theo đoàn từ Hà Nội vào. “Thực tế, khách Trung Quốc thường đến Đà Nẵng trước khi tham quan Hội An, hoặc các công ty đón khách từ Hà Nội vào Hội An cho nên đều có HDV đi kèm”, đại diện Vụ Lữ hành nói. Các công ty du lịch đều khẳng định số lượng HDV tiếng Trung được cấp thẻ ở Hà Nội, Quảng Ninh vào công tác tại Đà Nẵng, Khánh Hòa rất đông.
Có thể nói rằng tình trạng người Trung Quốc làm HDV chui tại các địa bàn du lịch này không phải do thiếu HDV. Anh Tô Việt Hùng, HDV tiếng Trung của Cty HaNoi Tourist với kinh nghiệm hơn chục năm khẳng định sẵn sàng vào Đà Nẵng, Nha Trang nếu có nhu cầu, nhưng “thực tế nhiều công ty lữ hành Trung Quốc không muốn sử dụng HDV Việt Nam”. Anh Hùng nói, sau khi chính quyền Đà Nẵng siết chặt quản lý, xử lý một số trường hợp hướng dẫn chui, HDV Việt bắt đầu có nhiều việc làm trở lại.
Vì sao HDV Việt bịlấn sân?
Không thiếu HDV tiếng Trung tại các địa bàn du lịch tập trung du khách Trung Quốc, nhưng nhiều công ty vẫn sử dụng người Trung Quốc làm HDV thay vì thuê người Việt. Lãnh đạo một công ty du lịch nêu tình trạng, nhiều công ty Trung Quốc phối hợp đưa khách sang Việt Nam không muốn sử dụng HDV người Việt. “Khi không muốn sử dụng người Việt, họ có những cách như trả công tác phí quá thấp, hoặc HDV phải ép được khách mua bổ sung nhiều dịch vụ, tour phụ khác. Nhiều HDV không chịu được áp lực này”, vị này nói.
HDV Tô Việt Hùng nêu thực trạng nhiều công ty lữ hành Việt Nam thông đồng, tiếp tay cho Trung Quốc bằng cách chỉ cần thuê sitting guide (HDV ngồi làm vì). Lực lượng này chủ yếu là sinh viên mới ra trường, chỉ phụ trách làm thủ tục, hoặc làm bình phong khi có cơ quan chức năng kiểm tra. Trưởng đoàn và HDV chính đều do người Trung Quốc phụ trách. Phương thức này khiến số lượng lớn HDV Việt Nam chuyên nghiệp bị ra rìa, bị lấn sân ngày càng lớn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng thừa nhận, do đặc thù thị trường Trung Quốc, nhiều công ty can thiệp rất sâu vào việc đưa đón khách tại Việt Nam. Giải thích thêm về điều này, bà Phạm Lê Thảo, Vụ phó Vụ Lữ hành cho biết: Nhiều công ty Trung Quốc khi đưa lượng khách lớn sang các thị trường khác thường được tặng tiền và giảm giá, nhưng chính sách Việt Nam chưa cho phép làm điều đó. Họ tìm cách tăng thêm lợi nhuận bằng nhiều cách khác.
“Dù các công ty này có ép cách mấy, nhưng chúng ta cương quyết thì họ không thể làm gì được. Lỗi này không chỉ có từ phía họ”, bà Phạm Lê Thảo nói. Lãnh đạo ngành du lịch trước đó chỉ nhiều vụ việc do người Việt Nam tiếp tay, dung túng cho công ty, người Trung Quốc hoạt động chui. Cụ thể, Tổng cục Du lịch trực tiếp rút giấy phép hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế của Silent Bay Nha Trang. Công ty này, sử dụng người nước ngoài làm việc tại công ty không tuân thủ quy định của pháp luật; sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Chấn chỉnh thế nào?
Chính phủ đã có chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động du lịch, sau khi dư luận phản ánh một số hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch tại Đà Nẵng, Khánh Hoà có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Trong số đó có hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch trái pháp luật, thậm chí xuyên tạc văn hoá, lịch sử Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký công văn gửi UBND các tỉnh thành tập trung một số biện pháp: Tăng cường thanh kiểm tra hoạt động du lịch, nhất là kinh doanh lữ hành, hướng dẫn và kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm. Trung Quốc là một trong những thị trường lớn, bộ đề nghị các địa phương nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của du khách, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân người nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ đề nghị sự vào cuộc của cơ quan chức năng liên ngành như công an, lao động thương binh và xã hội, quản lý thị trường phối hợp ngành du lịch kiểm tra, phát hiện và xử lý lao động nước ngoài hành nghề trái phép; xử lý cơ sở phục vụ du khách bán hàng bằng ngoại tệ, không niêm yết giá, bán hàng kém chất lượng, lừa đảo du khách. “Kiên quyết trục xuất và cấm nhập cảnh đối với trường hợp lợi dụng du lịch vào Việt Nam lao động bất hợp pháp hoặc hoạt động hướng dẫn trái phép”, công văn của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ngày 6/7 nêu.
Bộ VHTTDL cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin liên quan HDV nước ngoài hoạt động trái phép, có những hành vi xuyên tạc lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. |
Theo Tiền Phong