"Bệnh viện không thể là bến xe"
“Bệnh viện mà để taxi nào cũng có thể vào ra thì sẽ loạn bệnh viện” - đây là chia sẻ của một lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức về những phản ánh của báo chí về hiện tượng tại bệnh viện luôn có một hãng taxi độc quyền được tự do ra vào đón bệnh nhân, trong khi những hãng khác lại không được.
Trước câu hỏi về tình trạng độc quyền taxi trong bệnh viện, vị này cho rằng, nếu không quản, để taxi vào thoải mái thì bệnh viện sẽ loạn, như một bến xe không ai kiểm soát được. "Khuôn viên bệnh viện nhỏ, xe taxi lòng vòng đón khách thì không khác gì một cái chợ".
Tại Bệnh viện Việt Đức, lãnh đạo bệnh viện đã giao cho Phòng Hành chính quản trị tìm một đơn vị taxi đảm bảo chất lượng, giá phù hợp được phép ra vào bệnh viện, đảm bảo tuân thủ các điều kiện của bệnh viện. Theo đó, hãng taxi Thủ đô được ra vào viện đón khách. Hãng này mỗi tháng nộp 10 triệu đồng tiền phí vận hành do có người của bệnh viện đứng ra điều tiết. Tuy nhiên, để được đỗ ở bệnh viện đón khách, hãng phải đảm bảo các tiêu chí mà bệnh viện đề ra gồm công khai giá, giá hợp lý và không kén khách chặng ngắn, dài.
Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, về thông tin phản ánh của PV cho rằng hãng taxi ABC được độc quyền vào viện, bệnh viện đã có trả lời chính thức bằng văn bản khẳng định bệnh viện đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, cán bộ viên chức bệnh viện không có cổ phần trong công ty taxi ABC.
Đại diện bệnh viện Nhi khẳng định cán bộ viên chức bệnh viện không có cổ phần trong công ty taxi ABC. Việc ký hợp đồng độc quyền là đúng pháp luật để đảm bảo an ninh trong viện. |
Tại buổi làm việc giữa Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và Cục Quản lý Khám chữa bệnh vừa qua, PGS.TS Khu Thị Khánh Dung – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, phụ trách các vấn đề an ninh nội bộ - cho biết, khi chưa ký hợp đồng với hãng taxi, tình trạng bệnh viện rất lộn xộn, taxi nhốn nháo, đủ các loại taxi ra vào bệnh viện, tranh giành khách gây hỗn loạn, khiến người bệnh, người nhà bệnh nhân thiệt thòi, khó chịu.
“Tôi khẳng định việc lựa chọn công ty taxi được thông báo công khai và đơn vị trúng thầu phải đáp ứng được các tiêu chí mà bệnh viện đưa ra. Trong đó, giá cả, thái độ phục vụ được ưu tiên hàng đầu. Taxi có khách là phải chở không kể đoạn đường ngắn, dài chứ không có kiểu xa thì chở, gần thì không. Đã có không ít lái xe taxi bị công ty chủ quản phê bình, xử lý nghiêm khi bệnh viện phản hồi về việc người bệnh, người nhà bệnh nhân phàn nàn về cách phục vụ” - PGS.TS Khu Thị Khánh Dung khẳng định.
"Vì quyền lợi người bệnh"
Đại diện các bệnh viện đều bày tỏ quan điểm ủng hộ việc độc quyền để giám sát taxi, bởi nếu không quản, taxi sẽ "làm loạn" bệnh viện. |
Cùng quan điểm này, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, việc chặn không cho taxi vào cổng bừa bãi để đón khách là cần thiết, vừa đảm bảo an ninh bệnh viện, vừa đảm bảo quyền lợi của người bệnh.
Tại BV Bạch Mai, hai hãng taxi được lựa chọn là taxi Mai Linh (đón ở cổng chính đường Giải Phóng) và taxi Việt Thanh (đón ở cổng sau đường Phương Mai).
“Việc chọn lựa hãng taxi phục vụ người bệnh, bệnh viện không có bất kỳ một quyền lợi gì, không thu tiền bến bãi, dịch vụ. Nhưng cái được là phục vụ người bệnh vì để được đỗ trong bệnh viện đón khách, hai công ty taxi này đã cam kết về tinh thần, thái độ phục vụ, về giá cả rõ ràng, đảm bảo quyền lợi người bệnh”, TS Hùng cam kết.
Theo TS Hùng, nếu không quản lý taxi, 3 - 4 hãng cùng vào sẽ gây cảnh nhộn nhạo, cạnh tranh và cả từ chối khách, gây phiền nhiễu cho người bệnh.
Vì thế, Bệnh viện Bạch Mai ủng hộ quan điểm giám sát taxi để quyền lợi người bệnh được đảm bảo. TS Hùng khẳng định, nguyên tắc xuyên suốt là đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết. Bất kể xe gì có bệnh nhân trên xe là tạo điều kiện di chuyển.
Theo Dân Trí