Một ngày sau khi vụ kiện Philippines - Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông ngã ngũ, Bắc Kinh hôm 13-7 tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết bảo vệ “chủ quyền 2.000 năm tuổi” tại vùng biển này.
Công kích đủ thứ
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố cái gọi là Sách Trắng về vấn đề giải quyết tranh chấp với Philippines ở Biển Đông thông qua đàm phán, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân gọi tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông là “không có cơ sở” và “mang ý đồ xấu” cũng như tố ngược chính Manila đã tạo ra “tình hình rắc rối” hiện nay. Quan chức này còn lớn tiếng cho rằng Trung Quốc có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng biển họ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. “Chúng tôi đã thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông và một hành động tương tự ở Biển Đông sẽ phụ thuộc mức độ đe dọa đang đối mặt” - ông Lưu cho biết.
Thứ trưởng Trung Quốc thậm chí còn ngang ngược nói 5 thẩm phán của PCA có thể đã bị chi phối bởi tiền bạc nên mới đưa ra phán quyết chống lại Bắc Kinh. “Những thẩm phán này được trả lương nên ai thật sự đứng đằng sau tòa án này. Ai trả lương cho họ? Phải chăng là Philippines hoặc một nước nào khác?” - ông Lưu nói với các phóng viên.
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborough Ảnh: AP |
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cảnh báo việc PCA bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông “sẽ làm gia tăng xung đột, thậm chí là đối đầu”. Phát biểu tại hội thảo về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington hôm 12-7, ông Thôi cáo buộc chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á trong vài năm qua khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng. Đại sứ này còn lập luận vụ kiện của Philippines sẽ mở đường cho tình trạng “lạm dụng các thủ tục trọng tài”, từ đó “làm suy yếu động lực của các nước trong việc thương thảo và tham vấn để giải quyết tranh chấp”.
Phản bác lại cáo buộc trên, ông Daniel Kritenbrink, cố vấn chính sách châu Á của Tổng thống Barack Obama, khẳng định Washington không hề gây căng thẳng ở Biển Đông hay dùng nó làm cái cớ để can dự vào khu vực. Thay vào đó, Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở châu Á - Thái Bình Dương bằng con đường hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chứng kiến những lời lẽ công kích ngang ngược lẫn đe dọa nói trên, câu hỏi được dư luận quan tâm nhiều nhất là Bắc Kinh sẽ thực sự hành động như thế nào. Theo tờ The Washington Post, nước này có thể mở rộng chương trình bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa các đảo đang kiểm soát để củng cố cái gọi là “chủ quyền lịch sử” đối với hầu hết biển Đông, được thể hiện qua “đường chín đoạn” đã bị PCA phán quyết là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, cái giá phải trả là quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á và Mỹ thêm căng thẳng. Khi đó, những nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể theo chân Philippines trong việc thách thức Trung Quốc tại tòa án quốc tế và tiến gần Mỹ hơn.
Ngoài ra, Washington chắc chắn sẽ tiếp tục - và có thể tăng cường - hoạt động tuần tra tại Biển Đông. Do phán quyết cho rằng một số đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông không được hưởng lãnh hải 12 hải lý nên Mỹ có thể cho tàu áp sát hơn nữa những nơi này.
“Về mặt lý thuyết, chúng tôi có thể vào gần Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đang bị Trung Quốc cải tạo trái phép) trong vòng 500m” - ông Michael McDevitt, chuẩn đô đốc Mỹ về hưu với nhiều kinh nghiệm trên Thái Bình Dương, nói. Ông Jerry Hendrix, nhà phân tích tại Trung tâm an ninh Mỹ mới, nói với tạp chí Time: “Mỹ giờ đây cần xem xét kế hoạch hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng quốc tế và duy trì sự pháp trị. Mọi lựa chọn phải được đặt trên bàn”.
Tiến thoái lưỡng nan
Ngoài ra, uy tín của Bắc Kinh trên trường quốc tế sẽ bị tổn thương nếu nước này cứ tiếp tục không xem phán quyết PCA ra gì. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo toàn cầu bên cạnh Mỹ nhưng tham vọng này có thể bị đe dọa bởi hình ảnh một Bắc Kinh “đứng ngoài vòng pháp luật” trong mắt cộng đồng quốc tế. “Trung Quốc giờ là siêu cường và một siêu cường được kỳ vọng hành xử đúng đắn. Họ không thể xem mình đứng trên luật pháp bởi đó sẽ là một tiền lệ nguy hiểm” - ông Ashish Goyal, nhà phân tích tại Công ty NN Investment Partners (Hà Lan), nói với đài CNBC.
Nếu không muốn đối đầu cộng đồng quốc tế, Trung Quốc có thể ngưng những hành động phi pháp ở Biển Đông và chuyển sang lối tiếp cận hòa giải hơn nhưng rủi ro đi kèm là giới lãnh đạo Bắc Kinh bị mất mặt trong nước. “Việc hoàn toàn phớt lờ phán quyết sẽ dễ dàng dẫn đến các cuộc đụng độ và áp lực ngoại giao lớn hơn. Tuy nhiên, hoàn toàn tuân thủ phán quyết về cơ bản là không thể đối với Trung Quốc” - ông Thẩm Đinh Lập, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Phục Đán (Trung Quốc), đúc kết về tình thế “ngã ba đường” của Bắc Kinh lúc này.
Nhiều nhà ngoại giao, chuyên gia nhất trí rằng để xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước, Trung Quốc nhiều khả năng tiếp tục công kích phán quyết của PCA cũng như duy trì các động thái quân sự ở Biển Đông trong vài tháng tới. Ông James Nolt, chuyên gia tại Viện Chính sách Thế giới, trụ sở tại TP.New York - Mỹ, cho rằng phán quyết không thay đổi được cục diện trong ngắn hạn bởi Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục chiếm giữ các đảo ở Biển Đông và xây dựng ở đó.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích có cái nhìn lạc quan hơn về tình hình Biển Đông trong lâu dài. Chẳng hạn, ông Goyal đặt cược những cuộc thương thảo kín giữa Bắc Kinh và Manila có thể giúp giảm căng thẳng địa chính trị tại khu vực. Đài BBC cũng chỉ ra rằng trong phản ứng của Trung Quốc với phán quyết có đề cập đến chuyện “tham vấn với các bên liên quan trực tiếp” và đề xuất kế hoạch “phát triển chung trong các khu vực hàng hải liên quan”. Ngoài ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Bắc Kinh có thể cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte giải quyết tranh chấp bằng đàm phán trực tiếp sau khi PCA ra phán quyết.
Theo NLĐ