Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và những căng thẳng liên quan đến chương trình thắt lưng buộc bụng, Chính phủ Hy Lạp của Thủ tướng Alexis Tsipras đã thiết lập các mối quan hệ thân mật với Điện Kremlin. Việc Hy Lạp - một thành viên tích cực của NATO – xích lại gần Nga chẳng khác nào một “viên đạn” xuyên thẳng vào đầu các chủ nợ của Athens, và một “quân bài” mặc cả mà Hy Lạp đang kẹt tiền có thể sẽ vẫn đem đến các cuộc đàm phán về thanh toán nợ.
Đối với người Nga, Hy Lạp là một trong những thành viên EU (cùng với Hungary, Síp và CH Séc) mà họ có thể tận dụng để trung hòa các trừng phạt mà Liên minh này áp đặt sau vụ sáp nhập Crimea và can thiệp vào miền Đông Ukraine.
Có thể nói những lo ngại về quan hệ thân mật Nga – Hy Lạp xuất phát từ các mối quan hệ mạnh mẽ giữa lãnh đạo hai nước, nhất là khi đảng Syriza lên nắm quyền. Giới chức Hy Lạp đã hồ hởi bắt tay ông Vladimir Putin, sử dụng một tông giọng hoàn toàn khác với phần còn lại của châu Âu.
Nga và Hy Lạp có lịch sử gắn bó với nhau và những quan hệ về tôn giáo, trong khi quan hệ giữa các thành viên đảng Syriza và giới ưu tú chính trị và doanh nghiệp ở Nga gần gũi một cách đáng lo ngại. Thực vậy, quan chức nước ngoài đầu tiên mà ông Tsipras mời đến lâu đài Thủ tướng ở Athens không ai khác chính là Đại sứ Nga Andrey Maslov.
Giới chức Hy Lạp đã hồ hởi bắt tay ông Vladimir Putin |
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm Hy Lạp với hy vọng ký kết các thỏa thuận về thương mại, đầu tư, năng lượng và giao thông. Việc tháp tùng ông có Ngoại trưởng Sergey Lavrov và một số quan chức ngành dầu khí nước này đã cho thấy tầm quan trọng của chuyến thăm. Nga bày tỏ quan tâm mua lại công ty đường sắt Hy lạp Trainose, cũng như cảng biển lớn thứ hai của Hy Lạp Thessaloniki.
Quan hệ thân thiết Nga – Hy Lạp cũng mở rộng sang cả hợp tác quốc phòng và nhiều dự án vũ khí. Hy Lạp đang đàm phán với Moscow về việc mua và bảo dưỡng các hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất mà Hy Lạp đang ở hữu từ cuối những năm 1990.
Hợp tác giữa hai nước đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng châu Âu duy trì các trừng phạt chống lại Nga. Những lo lắng về quan hệ giữa ông Tsipras, các Bộ trưởng của ông với Moscow đã xuất hiện ngay từ khi đảng Syriza lên nắm quyền hồi năm ngoái. Ngay sau ngày bầu cử, Tsipras đã phản đối việc tăng trừng phạt Nga và bày tỏ tình đoàn kết với Moscow và nhân dân Nga. Ông và các Bộ trưởng đều nhắc lại những bình luận của Nga về các yếu tố “phát xít kiểu mới” đang xuất hiện tại Ukraine.
Tuy nhiên, sự bằng lòng bất đắc dĩ này có thể không kéo dài. Nga đang tăng cường quan hệ chiến lược với Hy Lạp và các thành viên EU bất bình với liên minh. Điều này sẽ gây chia rẽ liên minh và khuyến khích các nước thành viên đi tới quyết định làm giảm hoặc chấm dứt các trừng phạt chống lại Nga (việc gia hạn trừng phạt cần một cuộc bỏ phiếu đồng thuận).
Vì các lệnh trừng phạt được gia hạn sau 6 tháng, các nước EU đang nản chí như Hy Lạp có nhiều cơ hội sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn cản. Ngay cả với những lệnh trừng phạt hiện nay, Hy Lạp vẫn đang tìm những lỗ hổng để xuất khẩu nông sản sang Nga. Về phần mình, tập đoàn Gazprom và ngân hàng phát triển Nga tiếp tục theo đuổi thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí với Hy Lạp từ năm ngoái. Đây là những diễn biến đáng lo ngại đối với sự đoàn kết của EU về chính sách an ninh.
Một nhân tố lớn quyết định lợi ích của Nga tại Hy Lạp là vị trí chiến lược của nước này ở phía Đông Địa Trung Hải. Người tị nạn Syria và Afghanistan đổ xô đến các đảo và đại lục của Hy Lạp qua đường biển. Nước này cũng có vai trò quan trọng đối với các chiến dịch quốc phòng của cả EU và NATO tại Địa Trung Hải và Trung Đông, nhất là căn cứ tại Vịnh Souda trên đảo Crete. Căn cứ quân sự này đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, cũng như nhiều chiến dịch đa phương khác.
Việc tái cơ cấu kinh tế đang diễn ra ở Athens đã khiến người ta quên lãng các tài sản hạ tầng quan trọng này, trong đó có các sân bay và xưởng đóng tàu Skaramangas – “lò” sản xuất các tàu ngầm Hy Lạp. Một điểm đáng quan tâm khác là xưởng đóng tàu này đang ở trong tình thế bấp bênh vì chính phủ Hy Lạp có ý định quốc hữu hóa và “tống cổ” chủ sở hữu hiện nay.
Việc Hy Lạp ngã vào vòng tay Nga làm dấy lên nỗi ám ảnh về việc Athens sẽ bị sử dụng như một “con ngựa thành Troy” đến NATO, hoặc tệ hơn, là khả năng Athens sẽ rút khỏi hiệp ước quân sự này. Nếu nhìn thoáng qua, kịch bản trên có vẻ hơi thái quá, nhưng chương trình 40 điểm của đảng Syriza đã kêu gọi Hy Lạp rời NATO, và ít nhất một nghị sĩ đảng này đã nói về điều đó.
Trong khi người Nga giương cờ tại Syria và có cách tiếp cận ngày càng tích cực tại Biển Đen và Địa Trung Hải, các quan hệ mật thiết với Hy Lạp có thể giúp Nga gia tăng sức mạnh của mình và hủy hoại sự thống nhất của NATO vào một lúc nào đó.
Trong bối cảnh EU tiếp tục đánh vật với cuộc khủng hoảng người tị nạn, cuộc xung đột tại Ukraine, rối loạn kinh tế và sự nổi lên của cánh hữu chống châu Âu, một pháo đài thân Nga tại Hy Lạp hoàn toàn có thể là “giọt nước tràn ly” khiến EU tan rã.
Theo Vietnamnet