Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng, tháp, nhà chứa máy bay... trên Đá Xu Bi. Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 24/7/2016. Ảnh: New York Times |
Những bức ảnh chụp hồi tháng 7 cho thấy, các nhà chứa máy bay trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đủ chỗ chứa bất kỳ máy bay quân sự nào của không quân Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) cho biết.
“Ngoại trừ chuyến thăm ngắn của một máy bay vận tải quân sự đến đá Chữ Thập vào đầu năm nay, chưa có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã triển khai máy bay quân sự ra những tiền đồn này. Nhưng việc xây dựng nhanh chóng các nhà chứa máy bay tại cả ba bãi đá này cho thấy điều đó có khả năng thay đổi”, CSIS (trụ sở tại Mỹ) viết trong báo cáo.
Các ảnh vệ tinh này xuất hiện gần 1 tháng sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết diện tích Biển Đông. Các nhà chứa máy bay có dấu hiệu đã được củng cố, và những công trình khác như tháp không rõ mục đích và cấu trúc hình lục giác cũng được xây trên các cấu trúc nhỏ trong vài tháng gần đây, CSIS cho biết.
Không chỉ ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang gia tăng hoạt động trên biển Hoa Đông với quy mô đáng kinh ngạc. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm qua triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối việc hàng trăm tàu cá Trung Quốc ồ ạt tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp mà Nhật Bản đang kiểm soát.
Trong vài ngày qua, số tàu hải cảnh Trung Quốc lượn lờ quanh quần đảo không người ở này cũng tăng gấp 4 lần lên 13 - con số cao kỷ lục từ khi Trung Quốc đưa tàu ra khu vực này từ tháng 9/2012, khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo.
Ngoại trưởng Kishida nói với Đại sứ Cheng Yonghua rằng, các tàu Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển, và sự hiện diện của chúng làm leo thang căng thẳng giữa hai nước. Ông Kishida cũng nói rằng, hành động xâm nhập lặp đi lặp lại và nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng là không thể chấp nhận được, báo Japan Times đưa tin.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo, ít nhất 2 trong số 13 tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển chủ quyền của Nhật Bản quanh Senkaku, bất chấp cảnh báo phải rời đi. Lực lượng Nhật Bản nhìn thấy nòng súng trên nhiều tàu Trung Quốc.
Sau khi gặp Ngoại trưởng Nhật Bản, Đại sứ Cheng nói với các phóng viên rằng, việc Trung Quốc gia tăng số tàu hải cảnh là nhằm bảo vệ hoạt động của các tàu cá. Hàng trăm tàu cá Trung Quốc được các tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống đã đi vào vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư khi mùa đánh bắt trên biển Hoa Đông bắt đầu.
Báo chí Nhật Bản đưa tin, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quanh quần đảo tranh chấp giữa hai nước có thể là để cảnh báo chuyến thăm theo kế hoạch của các thành viên trong Nội các Nhật Bản đến ngôi đền Yasukuni - nơi thờ một số tội phạm chiến tranh và các nạn nhân thiệt mạng trong Thế chiến 2. Những chuyến thăm như vậy thường diễn ra ngày 15/8 - ngày tưởng niệm kết thúc Thế chiến 2.
Tin tặc tấn công các mục tiêu liên quan vấn đề Biển Đông
Tranh chấp tiếp diễn trên Biển Đông rõ ràng đã lan sang an ninh mạng. Hãng an ninh mạng Phần Lan F-Secure vừa đưa ra phân tích mới cho thấy các tin tặc được tin là từ Trung Quốc đã tấn công mạng của nhiều chính phủ, tổ chức tư nhân liên quan tranh cãi về tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.
Những mục tiêu đáng chú ý gồm có Bộ Tư pháp Philippines, đơn vị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và một hãng luật liên quan phán quyết của Tòa Trọng tài đưa ra ngày 12/7, báo cáo cho biết. Bộ Tư pháp Philippines đóng vai trò chủ chốt trong vụ kiện và các báo cáo trước hội nghị APEC vào tháng 11/2015 tại Philippines cho biết các lãnh đạo dự hội nghị này sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông.
F-Secure cho biết còn nhiều tổ chức khác bị tấn công, nhưng chi tiết về những vụ này được giữ kín theo yêu cầu của họ. “Dựa trên sự lựa chọn mục tiêu cụ thể cũng như các dấu hiệu xuất hiện trong phân tích kỹ thuật phần mềm độc hại, chúng tôi tin rằng, nhân tố đe dọa có nguồn gốc Trung Quốc”, báo cáo viết. Tuy nhiên, F-Secure nói rằng, không thể quy trách nhiệm vụ tấn công cho chính phủ Trung Quốc hay các cá nhân trong đó.
“Chúng tôi rất thận trọng khi nhấn mạnh rằng, kiểu tấn công sử dụng phần mềm gián điệp rất phổ biến ngày nay”, ông Erka Koivunen, nhà tư vấn an ninh của F-Secure, nói với báo Japan Times. Ông Erka cho biết, tin tặc còn dùng một số phần mềm gián điệp khác bên cạnh mã độc NanHaiShu (chuột Nam Hải).
Ông Bryce Boland, kỹ sư công nghệ của hãng an ninh mạng FireEye, cho biết, việc quy trách nhiệm cụ thể cho ai rất khó, nhưng các nhóm tin tặc hàng đầu của Trung Quốc có khả năng thâm nhập mạng máy tính của hầu hết các tổ chức ở châu Á - Thái Bình Dương một cách khá dễ dàng.
“Một lợi thế mà Trung Quốc có ở Thái Bình Dương là nhiều nước hàng xóm của họ có hệ thống phòng thủ mạng không phức tạp, nên các nhóm tin tặc Trung Quốc có kỹ năng vừa phải cũng có thể tấn công dễ dàng”, ông Boland nói.
Phân tích của F-Secure chỉ ra rằng, nhiều mẫu phần mềm độc hại bị phát hiện trong quá trình điều tra. Trong số các mẫu thu thập được, một nhóm được thiết kế thu thập thông tin tình báo liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Theo Tiền Phong