Ngư dân nhiều nước Đông Nam Á thường xuyên tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc quấy phá họ trên Biển Đông. Ảnh: Strait Times |
Nhưng ông Fidel Ramos, với tư cách phái viên đặc biệt của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhấn mạnh, ông sẽ không đàm phán về tranh chấp trên biển với giới chức Trung Quốc trong dịp này vì ông không có quyền thực hiện điều đó. Thay vào đó, chuyến đi của ông chủ yếu để xây dựng lại quan hệ với Bắc Kinh sau thời gian dài bị tổn hại nghiêm trọng vì tranh chấp trên Biển Đông.
“Xin đừng nhầm. Tôi không đến đây để đàm phán. Đó là việc của các quan chức”, ông Ramos nói với hãng thông tấn Philippines. “Điều mà ông ấy (Tổng thống Duterte) thực sự nói với tôi là: Xin hãy nối lại quan hệ hữu nghị với những người bạn từ Trung Quốc”, ông Ramos nói. “Tôi chỉ là người phá băng để hâm nóng quan hệ láng giềng tốt hữu nghị với Trung Quốc và đó là tất cả những điều tôi phải làm. Đó cũng có thể là tất cả những điều tôi có thể làm”, cựu Tổng thống nói.
Ông Ramos, năm nay 88 tuổi, là Tổng thống Philippines khi Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn từ Philippines vào năm 1995, gây ra phản ứng dữ dội từ Philippines. Tuy nhiên, ông Ramos nói rằng, Philippines sẽ không để tranh chấp làm ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể với Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Trung Quốc hồi đó là ông Giang Trạch Dân đến thăm Manila năm 1996. Trong một khoảnh khắc đáng nhớ, hai nhà lãnh đạo cùng nhảy và hát các bài hát phương Tây, như bài “Love Me Tender” của danh ca Elvis Presley trên du thuyền Vịnh Manila, giúp giảm nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương.
Ông Zhang Mingliang, một chuyên gia về Đông Nam Á tại ĐH Tế Nam (Trung Quốc), cho rằng, Hong Kong là “nơi trung lập” cho cả hai bên. “Trung Quốc có thể mời ông Ramos thăm Bắc Kinh nếu chuyến đi đến Bắc Kinh đạt kết quả tốt. Nếu không, ông Ramos chỉ cần quay lại Manila mà không mất mặt”, ông Zhang nói.
Trong bài bình luận đăng hôm 8/8, hãng thông tấn Xinhua viết rằng, chuyến thăm của ông Ramos “đại diện cho bước đi thực chất đầu tiên từ phía Philippines nhằm tham gia vào quá trình đối thoại song phương với Trung Quốc về Biển Đông”. “Nhưng việc trở lại quỹ đạo bình thường để giải quyết tranh chấp phụ thuộc nhiều vào sự thực lòng của Philippines”, Xinhua viết. “Những người ra quyết định ở Manila nên biết rằng, quan hệ mong manh với Bắc Kinh có thể hứng thêm những cú giáng nữa”.
Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích ở Trung Quốc đại lục nói rằng, chuyến thăm của ông Ramos khó có thể tạo nên bước đột phá trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhưng có thể mở đường cho những cuộc trao đổi cấp cao hơn giữa Manila và Bắc Kinh trong các tháng tới. “Việc Philippines có thể cử đặc phái viên đến Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy cả hai nước đều muốn đối thoại”, ông Zhang Mingliang nhận định.
Ông Du Jifeng, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng, Philippines khó có khả năng sẽ phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc. Quan chức cấp cao của cả hai nước có thể đối thoại song phương về tranh chấp sau chuyến đi này của ông Ramos, ông Du Jifeng nhận định.
Tàu hải quân Mỹ thăm Trung Quốc
Một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ hôm qua cập cảng Thanh Đảo của Trung Quốc để thực hiện chuyến thăm đầu tiên của Hải quân Mỹ đến Trung Quốc kể từ khi Tòa Trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn bác bỏ đòi hỏi quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cảng Thanh Đảo là cảng chính của Hạm đội Bắc Hải, Trung Quốc. Phát biểu ngắn với báo chí, Chỉ huy tàu USS Just L Harts nói rằng, chuyến thăm nhằm “xây dựng quan hệ” với các đồng nghiệp thuộc Hải quân Trung Quốc. Ông chuyển các câu hỏi về căng thẳng trên Biển Đông đến Bộ chỉ huy Thái Bình Dương ở Haiwaii.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, Mỹ, Nhật Bản và Úc “thổi bùng ngọn lửa” căng thẳng khu vực sau khi ba nước này ra tuyên bố chung thúc giục Trung Quốc không xây dựng các tiền đồn quân sự, không bồi đắp trên vùng biển tranh chấp.
Trung Quốc vẫn đang tăng cường tập trận trên vùng biển tranh chấp. Cuối tuần qua, Bắc Kinh triển khai tuần tra trên không ở Biển Đông. Không quân Trung Quốc gần đây đưa các máy bay ném bom tầm xa H-6k, máy bay chiến đấu Su-30 ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough.
Nhà khảo cổ Úc tố tàu Trung Quốc quấy rối Một nhà khảo cổ học không chuyên người Úc vừa tố cáo một tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối đội nghiên cứu của ông khi họ đang lặn xuống khảo sát một con tàu chìm ở vùng biển Borneo. Ông Hans Berekoven, một nông dân Úc, nói với đài ABC của Úc rằng, tàu Trung Quốc không can thiệp trực tiếp, nhưng hành động rõ ràng để đuổi họ đi. Ông Berekoven nói rằng, địa điểm xảy ra vụ việc là ở Luconia Breakers - một nhóm bãi san hô và đảo nhỏ cách đảo Borneo 84 hải lý và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Ông Berekoven cũng tố cáo tàu Trung Quốc phá hoại bãi san hô nơi tàu này neo đậu. “Con tàu có chuỗi neo lớn. Mỗi lần có gió hay thủy triều, mỏ neo gây loạn hết cả bãi san hô”, Berekoven nói. Các báo cáo khác cũng cho thấy Trung Quốc quyết độc quyền hoạt động nghiên cứu khảo cổ trên Biển Đông - nơi có xác tàu đắm của nhiều quốc gia. Trung Quốc cũng dùng các kết quả khảo cổ để củng cố yêu sách của họ - vẽ bản đồ và đặt tên các thực thể trên biển từ thời cổ đại, rồi tự cho rằng họ có chủ quyền lịch sử trên vùng biển này. |
Theo Tiền Phong