Quan trọng hơn hết, chủ dự án trị giá 13,8 tỉ USD này, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC), hứa hẹn tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho địa phương. Thế nhưng, theo thời gian, người dân bản địa đang dần vỡ mộng.
Người dân địa phương cho biết chẳng có công việc gì cho họ làm, nếu có thì cũng không đủ. Quá thất vọng vì ăn “bánh vẽ”, người dân tại huyện Narok thuộc miền Tây Nam Kenya hôm 2-8 đã xông vào một công trình xây dựng của CRBC, tấn công công nhân Trung Quốc khiến 14 người bị thương. Theo truyền thông địa phương, người biểu tình chủ yếu đến từ bộ tộc Masai - những người được hứa hẹn cho làm tài xế hoặc làm việc trong nhà máy nhưng thực tế không hề có.
Trước đó một ngày, công nhân CRBC tại công trường xây dựng tuyến đường sắt ở huyện Nakuru đã lấy công cụ làm việc, gậy gộc và đá để phong tỏa một tuyến đường. Những người này phản đối điều kiện làm việc cực nhọc, bị ngược đãi và lương thấp. Công nhân muốn được trả 5 USD/ngày, gấp đôi mức lương hiện nay. Theo trang tin Quartz, cả CRBC lẫn giới chức đường sắt Kenya chưa bình luận gì về những sự cố này.
Những gì xảy ra tại Kenya nêu bật nhiều vấn đề liên quan đến một loạt dự án xây cầu đường, tòa nhà, phát triển hạ tầng của công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Những phàn nàn phổ biến là lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ.
Công nhân Trung Quốc bị thương sau khi bị người dân địa phương tấn công ở Narok ngày 2-8 |
Dù vậy, điều khiến người dân địa phương bất bình nhất là việc các công ty Trung Quốc đưa người lao động từ nước mình sang để “cướp” công ăn việc làm của họ. Trong đó, CRBC là cái tên gây không ít tai tiếng kể từ khi bắt đầu dự án đường sắt nêu trên ở Kenya 2 năm trước. CRBC bị cáo buộc sa thải nhân công không lý do, đưa lao động Trung Quốc sang làm việc, đánh cắp nước của cộng đồng địa phương, thậm chí bí mật nạo vét cát từ bãi biển để làm vật liệu xây dựng.
Làn sóng giận dữ vì “bánh vẽ” của công ty Trung Quốc còn lan sang khu vực Gilgit - Baltistan của Pakistan và vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát (PoK). Người dân ở 2 địa phương này đang phản đối mạnh mẽ dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) vì cho rằng nó không hề đem lại bất kỳ lợi ích cụ thể nào cho họ. Theo báo The Times of India, Bắc Kinh đầu tư hơn 40 tỉ USD cho hành lang kinh tế kéo dài 3.000km, kết nối miền Tây Trung Quốc với miền Nam Pakistan thông qua một mạng lưới đường sá, đường sắt và đường ống dẫn.
CPEC được quảng bá là sẽ mang lại sự thay đổi kinh tế - xã hội đáng kể cho khu vực nhưng người dân dần nhận thấy họ đang bị bỏ rơi. “Người dân muốn rằng chí ít họ phải được thông báo về dự án, biết được dự án đem lại lợi ích gì cho họ” - ông Abdul Rehman Bukhari, giáo sư Trường ĐH Karachi (Pakistan), cho biết. Không chỉ rầu rĩ trước tình trạng bị công nhân Trung Quốc lấy đi công ăn việc làm, người dân địa phương và các nhà hoạt động còn lo ngại CPEC sẽ gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Ngoài ra, đã xuất hiện phàn nàn rằng khi quân đội Pakistan xây dựng đường cao tốc Karakoram cùng với Trung Quốc, người dân bị ảnh hưởng không nhận được bồi thường. Nhà chức trách còn bị cáo buộc dùng vũ lực thu hồi đất của người dân để phục vụ dự án CPEC.
Theo NLĐ