Những lần “mừng hụt” của Trung Quốc khi bị các nước hủy hợp đồng hàng tỷ USD

Thứ năm, 04/08/2016, 09:15
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể giành phần thắng trong các cuộc đấu thầu tại nhiều quốc gia nhằm theo đuổi mục tiêu xuất khẩu công nghệ ra toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng có không ít lần Bắc Kinh bị rơi vào hoàn cảnh “mừng hụt” khi chính phủ các nước bất ngờ hủy bỏ các thương vụ hàng tỷ đô vì lo ngại và cảnh giác với các sản phẩm gắn mác "Made in China".

Những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên là một quốc gia thường xuyên góp mặt trong các dự án xây dựng công trình cơ bản cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng tại nhiều nước trên thế giới. Theo đó, Bắc Kinh đã nhiều lần cạnh tranh với các nhà thầu tên tuổi trên thế giới và giành chiến thắng trong các phiên đấu thầu trị giá hàng tỷ USD bằng những lợi thế sẵn có.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, nhiều quốc gia, mặc dù đã ký hợp đồng hoặc từng nhận lời sẽ hợp tác với Trung Quốc, bất ngờ tuyên bố dừng các dự án với Bắc Kinh, ngay cả khi phải chấp nhận đền bù một khoản tiền không nhỏ. Hầu hết các lý do được đưa ra để giải thích cho những vụ hủy bỏ này đều liên quan tới sự minh bạch trong quá trình đấu thầu, chất lượng hoặc mức độ an toàn của các công trình do Trung Quốc thi công, ngoài ra còn một số vấn đề khác liên quan tới an ninh và chính trị. Cùng điểm qua một số vụ việc nổi cộm liên quan tới việc các nước hủy bỏ dự án của Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

Dự án thành phố cảng tại Sri Lanka

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 5 từ phải sang) và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa (thứ 3 từ phải sang) tại lễ khởi công xây dựng dự án Colombo Port City tại Sri Lanka vào tháng 9/2014 (Ảnh: Colombopage)

Tháng 9/2014, nhân chuyến thăm tới Sri Lanka, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dự lễ khởi công xây dựng thành phố cảng Colombo trên một hòn đảo nhân tạo gần thủ đô Colombo của nước này. Theo thiết kế ban đầu, dự án bất động sản mang tên Colombo Port City, trải rộng trên diện tích 200ha, sẽ bao gồm các trung tâm mua sắm, khu thể thao dưới nước, sân golf, khách sạn, khu chung cư và bến đỗ du thuyền. Đây được xem là một phần trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng và thương mại của Trung Quốc theo chiến lược “con đường tơ lụa trên biển” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, Sri Lanka bất ngờ thông báo với phía Trung Quốc về việc tạm dừng xây dựng thành phố cảng trị giá 1,5 tỷ USD này vào thời điểm chính phủ mới của Tổng thống Maithripala Sirisena chuẩn bị ra mắt. Ông Sirisena, người chuẩn bị nhận nhiệm sở vào tháng 1/2015, đã cam kết rà soát lại tất cả các dự án lớn sử dụng nguồn vốn từ Trung Quốc tại Sri Lanka vào thời điểm đó. Đây đều là những dự án do Tổng thống tiền nhiệm Mahinda Rajapaksa ký kết với Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước trên lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Sau khi xem xét các hoạt động xây dựng của nhà thầu Trung Quốc, chính phủ Sri Lanka cho rằng dự án thành phố cảng này thiếu tính minh bạch, thiếu giấy phép cần thiết và được đấu thầu không công bằng. Cơ quan chức năng của Sri Lanka cũng cáo buộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông Trung Quốc (CCCC), đơn vị phụ trách thi công Colombo, vi phạm pháp luật cũng như có hành vi gây tổn hại môi trường. Ủy ban Đầu tư Srilanka đã yêu cầu ngừng việc thi công dự án cho tới khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, đồng thời khẳng định nếu công ty Trung Quốc không dừng việc thi công lại, Sri Lanka sẽ thực thi các hành động pháp lý cần thiết.

Sau dự án cảng biển Colombo, các dự án cảng và đường bộ khác cũng bị đưa vào tầm ngắm của Tổng thống Maithripala Sirisena. Chính phủ nước này yêu cầu tất cả các dự án trong tương lai phải được đấu thầu công khai và minh bạch, đồng thời tuân thủ theo đúng luật pháp Sri Lanka.

Dự án đường sắt cao tốc tại Mexico

Các tàu cao tốc tại một trạm bảo dưỡng ở Hồ Bắc, Trung Quốc

Ngày 3/11/2014, Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) được thông báo trúng thầu thi công dự án đường sắt cao tốc dài 210 km nối thủ đô Mexico City với trung tâm công nghiệp Queretaro ở miền trung Mexico. Đây là dự án đường sắt cao tốc đầu tiên ở Mexico, và cũng là công trình đầu tiên ở khu vực Mỹ La tinh.

Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau đó, ngày 6/11/2014, Bộ trưởng giao thông Mexico Gerardo Ruiz Esparza thông báo rằng Tổng thống Pena Nieto đã quyết định thu hồi quyết định ngày 3/11 và mở lại tiến trình đấu thầu dự án trị giá 4,3 tỷ USD này. Theo Bộ trưởng Esparza, thỏa thuận bị rút lại nhằm tránh “bất kỳ nghi ngờ nào về tính hợp pháp và minh bạch” của tiến trình đấu thầu sau khi chỉ có một nhóm tham gia.

Hợp đồng với Trung Quốc bị hủy bỏ sau khi các nhà lập pháp Mexico cáo buộc chính phủ ưu đãi cho CRCC. Nhiều người dân Mexico đặt ra nghi vấn về tính minh bạch cũng như khả năng xảy ra tham nhũng trong quá trình đấu thầu dự án. Trước đó, phiên đấu thầu cho dự án này diễn ra với sự tham gia của duy nhất một liên doanh do tập đoàn của Trung Quốc dẫn đầu.

Điều này đã khiến cho Tổng thống Nieto nghi ngờ vì các nhà thầu lớn như Mitsubishi của Nhật Bản, Alstom của Pháp, Bombardier của Canada và Siemens của Đức đều đã gửi hồ sơ tham gia trước đó nhưng bất ngờ rút đi. Bộ Giao thông Mexico cũng không giải thích tại sao các công ty lớn không tham gia đấu thầu. Chính phủ Mexico cho biết sẽ chấp nhận đền bù 1.31 tỷ USD do đơn phương hủy hợp đồng đường sắt với nhà thầu Trung Quốc.

Trước khi tuyên bố hủy thỏa thuận trên, chính phủ Mexico đã hy vọng sẽ bắt đầu khởi công dự án vào tháng 12/2014 và tuyến đường sắt sẽ đi vào hoạt động từ năm 2017. Tuyến đường sắt đặt mục tiêu vận chuyển 23.000 hành khách mỗi ngày, hoạt động với vận tốc lên tới 300km/h, giảm thời gian đi lại giữa Mexico City và Queretaro từ 2,5 giờ xuống còn 58 phút.

Dự án đường sắt cao tốc tại Mỹ

Một tuyến đường sắt trên cao tại Trung Quốc

Năm 2015, Công ty XpressWest có trụ sở tại bang Nevada (Mỹ) đã quyết định liên doanh với Công ty Quốc tế Đường sắt Trung Quốc (CRI) tại Mỹ (trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc) để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 370km nối liền hai thành phố Las Vegas, bang Nevada với thành phố Los Angeles, bang California của Mỹ. Kinh phí của dự án ước tính lên tới 5 tỷ USD và CRI nói rằng công ty này sẽ cung cấp số vốn ban đầu là 100 triệu USD.

Thỏa thuận giữa hai công ty Mỹ và Trung Quốc được đưa ra trước chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ hồi tháng 9/2015. Bắc Kinh khi đó nhận định rằng liên doanh là một dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc với mục tiêu xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc tiên tiến sang các quốc gia phát triển như Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 8/6/2016, tức là chỉ 9 tháng sau khi hai bên ký hợp đồng liên kết, XpressWest quyết định hủy hợp đồng với công ty Trung Quốc vì những khó khăn mà CRI gặp phải trong việc đáp ứng các thời hạn và nhận được giấy phép cần thiết để thực hiện dự án. Công ty của Mỹ cho biết thách thức lớn nhất của họ là những yêu cầu của chính quyền liên bang đòi hỏi các tàu cao tốc phải được sản xuất tại Mỹ nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cũng như mức độ an toàn cho người sử dụng.

Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc từ năm 2007 và hiện có mạng lưới đường sắt dài nhất thế giới, lên tới hơn 19.000km. Năm 2011, một vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc đã xảy ra tại thành phố Ôn Châu, Trung Quốc khi hai tàu ngược chiều đâm vào nhau khiến 40 người thiệt mạng. Vụ tai nạn đã làm dấy lên những lo ngại về chất lượng cũng như mức độ an toàn của các tàu cao tốc do Bắc Kinh chế tạo, lắp đặt và vận hành.

Dự án đường sắt cao tốc tại Indonesia

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thứ hai từ trái sang) và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Trung Quốc Sheng Guangzu tại lễ khởi công dự án tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung

Tháng 1/2016, 5 ngày sau lễ khởi công xây dựng dự án Jakarta - Bangdung, dự án đường sắt cao tốc chung giữa Indonesia và Trung Quốc, Bộ Giao thông Indonesia đã quyết định tạm ngưng hợp đồng với Công ty phát triển đường sắt PT Kereta Cepat Indonesia China (KCIC) của Trung Quốc vì nộp thiếu nhiều giấy tờ liên quan đến dự án trị giá 5,5 tỷ USD này.

Theo đó, trong số 11 tài liệu cần phải nộp, chủ đầu tư KCIC chưa nộp đủ giấy tờ liên quan tới thiết kế phát triển dự án, mô tả kỹ thuật, dữ liệu hiện trường, đặc điểm kỹ thuật chi tiết. Vào thời điểm dự án bị tuyên bố tạm dừng, mới chỉ có 5 km đầu tiên trong tổng số 142,3 km được cấp phép xây dựng. Bộ Giao thông Indonesia cũng yêu cầu KCIC khôi phục nguyên trạng khu vực thi công nếu dự án bị hủy bỏ vì bất kỳ lý do nào.

Liên quan tới việc đình chỉ dự án đường sắt nối thủ đô Jakarta và thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, Jakarta Postdẫn lời Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia Ignasius Jonan cho biết: “Chúng tôi rất nghiêm khắc về vấn đề này vì đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành dự án kiểu như vậy. Chúng tôi không thể cấp phép nếu chỉ dựa trên những đánh giá”.

Ông Jonan cho biết ông không muốn mắc lại những sai sót từ sự cố xây dựng đường sắt trước đây khi chính quyền thành phố Jakarta và nhà thầu dự án nảy sinh bất đồng với nhau. Người đứng đầu Bộ Giao thông Indonesia cũng nhấn mạnh, sau thời hạn nhượng quyền 50 năm, KCIC phải bàn giao lại dự án cho phía Indonesia quản lý, trả hết nợ và thực hiện đúng chức năng của mình.

Theo Chinapost, công ty KCIC đã không thực hiện ít nhất 15 yêu cầu do chính quyền thành phố đặt ra đối với dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bangung, trong đó có việc giải trình kế hoạch kinh doanh và việc bảo lãnh vốn vay 5% tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, KCIC thậm chí vẫn để nguyên nhiều tài liệu của dự án bằng tiếng Trung Quốc và không dịch sang tiếng Anh cho đối tác. Những vấn đề này, cùng với sự nghi ngại về khả năng huy động vốn của dự án đã dẫn tới việc dự án bị tạm dừng.

Trước đó, Trung Quốc đã được chọn là chủ đầu tư dự án sau khi vượt qua Nhật Bản trong phiên đấu thầu cuối cùng. Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) chi trả khoản vay lên tới 75% giá trị dự án với kỳ hạn vay là 40 năm và ân hạn 10 năm.

Dự án nhà máy điện hạt nhân tại Anh

Đồ họa mô phỏng nhà máy điện hạt nhân Hinkely Point ở Tây Nam nước Anh

Theo kế hoạch ban đầu, ngày 29/7, Anh sẽ ký thỏa thuận với Tập đoàn Điện lực nhà nước Pháp (EDF) để xây dựng 2 lò phản ứng ở Hinkley Point, phía tây nam nước Anh với mục tiêu đáp ứng 7% nhu cầu điện năng của Anh. Dự án này được Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) rót vốn và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cựu Thủ tướng Anh David Cameron như một cách để thu hút đầu tư từ nước ngoài vào Anh.

Tuy nhiên, sau khi bà Theresa May chính thức tiếp quản ghế Thủ tướng của ông Cameron, bà tỏ ra không hài lòng với chính sách muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc như cách người tiền nhiệm từng làm. Theo đó, bà đã quyết định tạm hoãn việc ký kết hợp tác xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân sử dụng vốn từ Trung Quốc vào phút chót khi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa lễ ký kết sẽ diễn ra theo lịch trình.

Thủ tướng Theresa May cùng một số quan chức cấp cao của Anh đã tỏ ra quan ngại về việc đồng ý ký kết hợp tác xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân sử dụng vốn từ Trung Quốc. Cựu Bộ trưởng kinh doanh Anh Vince Cable cho biết bà May lo ngại việc Trung Quốc “nhúng tay” vào dự án này có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Trong khi đó, Chánh văn phòng của Thủ tướng May, Nick Timothy, cho biết các chuyên gia an ninh lo ngại về việc nếu để Trung Quốc tham gia vào dự án điện hạt nhân lần này thì sẽ tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với hệ thống máy tính, từ đó có thể chi phối hệ thống sản xuất điện năng của Anh bất kỳ lúc nào.

Dự án xây dựng lò phản ứng tại Hinkley Point được khởi xướng từ năm 2006 dưới thời của cựu Thủ tướng Tony Blair. Sau đó, năm 2013, chính phủ Anh và Tập đoàn Điện lực nhà nước Pháp đạt được thỏa thuận hợp tác về dự án này dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron.

Tháng 10/2015, nhân chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới London, thỏa thuận sơ bộ về nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point mới được ký kết và việc nhận tài trợ vốn từ Bắc Kinh được xác nhận vào thời điểm đó. Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc dự kiến sẽ nắm 33% cổ phần trong dự án Hinkley Point.

Động thái gần đây của chính phủ Anh là đòn giáng mới nhất nhằm vào các dự án tại nước ngoài của Trung Quốc, nối dài thêm danh sách các quốc gia từ chối hợp tác với Bắc Kinh trong suốt thời gian qua.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn