Những câu hỏi lớn trong thương vụ MobiFone mua AVG

Thứ ba, 02/08/2016, 14:10
Tại sao MobiFone chọn AVG để mua lại thay vì xây dựng cơ sở hạ tầng, giá trị thương vụ, phương thức giao dịch... đều là những câu hỏi lớn được dư luận đặt ra suốt thời gian qua. 

Lãnh đạo Chính phủ vừa chỉ đạo thực hiện thanh tra toàn diện việc Tổng công ty Viễn thông Di động (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) - đơn vị hiện được đổi tên thành MobiTV. Sau thanh tra, nếu có dấu hiệu vi phạm thì sự việc có thể được chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Công văn này thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng.

Trước đó từ đầu năm 2016, lãnh đạo MobiFone chính thức công bố việc mua AVG, song kể từ đó, dư luận cũng đặt ra không ít câu hỏi đối với thương vụ này, bởi những thông tin 2 bên mua - bán chính thức đưa ra còn quá dè dặt.

Giá trị thương vụ

Sau một số đồn đoán cùng với sự xuất hiện của lãnh đạo AVG tại một số sự kiện quan trọng của MobiFone, đến tháng 1/2016, lãnh đạo Tổng công ty này chính thức công bố đã mua lại 95% cổ phần AVG. Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí phát đi cũng như nhiều lần trao đổi sau này với báo chí, lãnh đạo MobiFone tuyệt đối không tiết lộ về giá trị thương vụ.

nhung-cau-hoi-lon-trong-thuong-vu-mobifone-mua-avg

Giá trị thương vụ mua AVG của Mobifone là điều khiến nhiều người tò mò.

Theo tính toán của một số chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình dựa trên tài sản gồm hệ thống mạng lưới như các trạm phát sóng, đầu thu, các phụ kiện trang thiết bị đi kèm, hệ thống vận hành mạng lưới, hệ thống xử lý tín hiệu, băng tần phát sóng, thuê bao…,giá trị của AVG hiện đượcước tính khoảng 1.600-2.000 tỷ đồng, chưa kể khấu hao. Tuy nhiên, giá trị doanh nghiệp không chỉ được xác định dựa vào các tài sản mà còn liên quan đến các khoản nợ phải trả. Trong khi đó, các chỉ tiêu tài chính nói trên của AVG vẫn luôn là một ẩn số.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, nếu MobiFone mua AVG cao hơn 20% giá trị thực tế thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trên thị trường lại xuất hiện một số thông tin cho rằng, MobiFone đã mua AVG với mức giá rất "khủng", gấp nhiều lần so với con số ước tính nói trên.Cùng với việc không công bố giá trị thương vụ, đơn vị định giá AVG để thực hiện việc chuyển nhượng cũng không được tiết lộ.

Phương thức giao dịch

Lãnh đạo MobiFone và các bộ ngành liên quan cũng chưa bao giờ công bố về việc 2 bên sẽ giao dịch bằng cách trả tiền mặt hay hoán đổi cổ phần. Thời điểm hoàn tất thương vụ cũng không được làm rõ bởi sẽ còn liên quan lớn đến quá trình cổ phần hóa của MobiFone đang trong quá trình triển khai. Hiện MobiFone là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, nên nếuthương vụ hoàn tất trước khi tổng công ty này cổ phần hóa, thì phải tuân theo quy định quản lý tài chính của doanh nghiệp Nhà nước do các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Còn nếu thương vụ hoàn tất mua sau khi tổng công ty cổ phần hóa sẽ phải được sự đồng ý của các cổ đông.

Tại sao MobiFone chọn AVG

Theo các chuyên gia, tài sản giá trị nhất của AVG ở thời điểm thương vụ được công bố là số thuê bao. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Thông tin & Truyền thông, tính đến cuối năm 2014, tổng thuê bao của AVG vào khoảng 450.000, một con số khá khiêm tốn so với thị trường 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (gồm cả truyền hình cáp và số vệ tinh).

So sánh trong số 3 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh gồm VSTV (sở hữu hệ thống K+) và VTC thì hiện thuê bao của AVG cũng ít nhất. 2 năm trở lại đây, trong khi 2 đối thủ liên tục tăng trưởng tốt về số thuê bao thì tốc độ của AVG lại gần như chững lại. Hơn nữa, các thuê bao của AVG chủ yếu phát triển ở vùng nông thôn nhờ giá cước rẻ (20.000-50.000 đồng mỗi tháng), thậm chí miễn phí thuê bao từ một đến 2 năm nên khả năng gia tăng các nguồn thu từ dịch vụ khác cũng không đáng kể.

Trong khi đó, hạ tầng của AVG cũng được đánh giá là không có nhiều lợi thế, thậm chí yếu hơn nhiều so với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền khác.Là nhà cung cấp dịch vụ và xây dựng hạ tầng truyền hình nên AVG cũng không được độc lập đứng tên làm chủ các kênh để tự sản xuất, mà phải liên kết với các đài. Tuy nhiên, họ cũng không làm tốt việc này khi không tạo dựng được bản sắc hoặc chỉ bó hẹp trong một số nhóm đối tượng khán giả khu biệt.

Tuy nhiên, điều đáng nói, mục tiêu của MobiFone là sẽ làm truyền hình khác với các nhà đài hiện nay trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnhlĩnh vực này phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các ông lớn như SCTV, VTVcab và sự trỗi dậy của truyền hình cáp quang từ các đại gia viễn thông như VNPT, Viettel, FPT...Theo đó, truyền hình chỉ là một phần trong “dải sinh thái” phục vụ hơn 40 triệu khách hàng đang sử dụng mạng MobiFone hiện có.Hướng làm truyền hình được lãnh đạo MobiFone tiết lộ là kết hợp viễn thông theo công nghệ mới. Cách kinh doanh và khai thác của nhà mạng này cũng không giống như truyền hình trả tiền là hiện gần như phụ thuộc lớn vào phí thuê bao mà có thể nhiều dịch vụ sẽ miễn phí. Việc thu phí cũng thực hiện qua di động.

Về phương thức, có vẻ như MobiFone đang có hướng tiếp cận khác với những gì mà AVG đang triển khai. Vì vậy, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, liệu thương vụ này có phảilà giải pháp tối ưu của nhà mạng khi mà những nền tảng AVG hiện có không quá tương thích và không tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho các mục tiêu mà MobiFone đề ra?Trong khi đó, sau khi công bố mua lại AVG, MobiFone theo đuổi tham vọng khá lớn khi đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích