Khai thác khoáng sản |
Phát biểu tại hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản - Các bất cập và khuyến nghị” do Trung tâm Thiên nhiên và Con người Việt Nam (Pannature) phối hợp với Hội địa chất Kinh tế Việt Nam và Liên minh Khoáng sản tổ chức hôm 29/7, TS Lê Đăng Doanh cho hay, tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản sang Trung Quốc vẫn rất nghiêm trọng.
Số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ít hơn so với con số do Trung Quốc thống kê là 5 tỷ USD. Trong đó, phía Trung Quốc cho biết, phần lớn là khoáng sản.
"Tại sao nước ta xuất khẩu khoáng sản kim ngạch vênh đến 5 tỷ USD mà phía Hải quan Việt Nam không biết, thống kê cũng không công bố. Rõ ràng, ngân sách cũng chẳng được đồng nào? 5 tỷ USD là rất lớn, đâu phải con ruồi, con muỗi mà chui lọt lỗ kim được. 5 tỷ USD này đi đâu và tại sao lại có việc này? Đây là câu hỏi được một đại biểu Quốc hội khóa trước nêu lên nhưng đến nay vẫn chưa có giải trình rõ ràng”, ông Doanh nói.
Qua đó, ông Doanh cho rằng, tình trạng sử dụng khoáng sản và xuất khẩu khoáng sản là có vấn đề. Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, khai thác khoáng sản hiện đang được thực hiện với nhiều trình độ khác nhau, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao, nhiều nguyên tố phụ trong chất thải khoáng sản được nước ngoài thu mua rẻ và khai thác nhiều nguyên tố quý.
"Nhiều khi khai thác không được 30-40%, khiến tài nguyên bị lãng phí. Một trong những vấn đề đáng chú ý đối với các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản là bảo vệ môi trường, nhưng thực tế đã chỉ ra rằng việc bảo vệ môi trường cũng chưa được coi trọng", ông nói thêm.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban Chiến lược Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ ra 4 bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực đầu tư khai thác khoáng sản. Trong đó, bất cập lớn nhất là bất cập từ chính sách không công khai, minh bạch.
Về công tác quy hoạch trong khai thác khoáng sản cũng rất nhiều vấn đề cần bàn. Quy hoạch thì rất nhiều nhưng chất lượng cực kỳ thấp. Việc thực hiện quy hoạch cũng được đánh giá là không đồng bộ và thay đổi liên tục
"Trong quy hoạch ngành than năm 2003 đã nói rất rõ là xuất khẩu than tối đa trong giai đoạn 2002 – 2005 là 2 triệu tấn. Thế mà TKV xuất gần 20 triệu tấn trong giai đoạn đó và nói rằng đó là đi trước kế hoạch 5 năm. Như vậy là cơ hội, không theo quy hoạch nào cả", ông Sơn lấy ví dụ.
Ông Sơn cũng cho rằng, với một ngành đặc thù như ngành khai thác khoáng sản, việc tái đầu tư vào sản xuất hầu như không có, đặc biệt là ở doanh nghiệp nhà nước, đều thấy rõ thành lập ra rồi để đấy thực hiện quy chế ba không (không hoạt động liên tục, không hiệu quả sản xuất và không tái mở rộng sản xuất) và cuối cùng là mọi thứ gần như không có gì .
Ngoài ra, mối quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp khai thác - chủ yếu các doanh nghiệp là Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Các ngân hàng thương mại vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhà nước. Nhiều dự án vẫn được chấp thuận đầu tư và cấp tín dụng dù không thực sự hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường.
"Các ngân hàng khi xem xét cấp tín dụng lại không biết đánh giá tác động môi trường, không biết dựa vào cái gì để cấp tiền thì đâu gọi là kinh doanh. Đáng lẽ ra, các doanh nghiệp phải mua đứt tài nguyên, rồi mang ra ngân hàng thế chấp lấy tiền nhưng ở Việt Nam doanh nghiệp không được quyền đó, không được quyền sở hữu. Doanh nghiệp chỉ dựa vào ngân hàng như ký sinh", ông Sơn nói.
Theo Dân Trí