Hôm 20/7, NYDC Việt Nam gửi lời chào tạm biệt tới các khách hàng thông qua trang mạng xã hội Facebook và hứa sẽ "trở lại vào một ngày nào đó".
Hồi tháng 5, các dấu hiệu trở nên rõ ràng khi NYDC đóng cửa 3 chi nhánh tại Nguyễn Trãi, Cantavil và Crescent ở TP.HCM. Cửa hàng tại Metropolitan ở khu vực trung tâm thành phố tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, sau 6 tháng cố gắng, cuối cùng, họ quyết định đóng cửa.
NYDC Việt Nam quyết định đóng cửa chi nhánh cuối cùng sau nhiều tháng "vật lộn". |
Theo Insider Retail, hai yếu tố có thể dẫn đến sự thất bại của NYDC Việt Nam là: Một, các chuỗi cà phê bản địa như The Coffee House, Phuc Long, Urban Station, Trung Nguyen, Kafe và Highlands chiếm thị phần ngày càng lớn với ưu điểm giá cả phải chăng và không gian thoải mái; Hai, các chuỗi thương hiệu quốc tế như Starbucks xuất hiện.
Trước khi “nàng tiên cá” đến Việt Nam vào năm 2012, đối thủ cạnh tranh chính của NYDC là Gloria’s Jeans, Coffe Bean & Tea Leaf.
Nhiều thương hiệu thực phẩm nước ngoài gặp khó khăn trong việc kích đà phát triển tại thị trường Việt Nam.
Khoảng 3 năm trước, cả Gloria’s Jeans, Coffe Bean & Tea Leaf đã phải đóng cửa các cửa hàng lớn hơn do giá thuê mặt bằng tăng.
Burge King ra mắt vào năm 2012 với kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng 60 cửa hàng trong 5 năm. Tuy nhiên, gần đây, hãng này phải đóng cửa vài nhà hàng và đến tháng 2, mạng lưới của họ chỉ là 16 chi nhánh.
Sean T Ngo, giám đốc điều hành của VF Franchise Consulting, cho biết, dù Việt Nam là một trong những thị trường nhượng quyền thương mại nóng nhất khu vực Đông Nam Á, sự ra đi của NYDC Việt Nam thể hiện rõ các thách thức mà nhiều công ty nước ngoài phải đối mặt khi bước chân vào một thị trường đang phát triển như Việt Nam.
Theo ông, sự khác biệt và vị trí của các đối thủ cạnh tranh là điều mà bất cứ thương hiệu nước ngoài nào cũng cần nắm rõ để trước khi nhảy vào chiếm lĩnh thị trường này.
Năm 2009, SUTL Group của Singapore đã đưa NYDC tới thị trường Việt Nam và trở thành một trong những chuỗi cà phê nước ngoài phổ biến nhất tại TP.HCM.
Hai cửa hàng đầu tiên được mở tại trung tâm thành phố, tại Metropolitan và trung tâm mua sắm Now Zone, và tiếp đến là Vincom, Nguyễn Trãi, Cantavil và Crescent. Kế hoạch ban đầu là mở 20 cửa hàng trong 5 năm với số vốn đầu tư 300.000 USD cho mỗi cửa hàng.
Trái ngược với NYDC, SUTL đã thành công với sự đầu tư vào KFC, hiện tại có hơn 140 cửa hàng hoạt động trên khắp Việt Nam.
Theo Zing