Gần đây lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực như bất động sản, tiêu dùng, sửa chữa nhà... tại nhiều ngân hàng tăng. Điều này tạo thêm gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân trong bối cảnh kinh doanh đang gặp khó khăn như hiện nay.
Chị Nguyễn Thu Thảo, nhà ở quận Bình Chánh, TP.HCM kể khoảng ba tháng trước chị đến Ngân hàng VietCapital để tìm hiểu về lãi suất cho vay mua nhà, thì được biết gói lãi suất cố định năm tháng đầu là 8,2%/năm. Nhưng thời điểm đó chị chưa chọn được căn nhà ưng ý nên chưa quyết định vay.
“Vừa qua, tôi có nhu cầu vay và quay lại ngân hàng trên thì được thông báo gói này đã tăng lên đến 8,7%/năm. Sau đó lãi suất thả nổi sẽ được tính bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng (hiện đang là 7,5%/năm) cộng với biên độ 3,5%/năm, tức là khoảng 11%/năm. Do lãi suất tăng nên tôi đang tính toán lại có nên vay hay không” - chị Thảo thông tin.
Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng. |
Nhân viên tư vấn của VietCapital cho biết, biểu lãi suất được thay đổi liên tục. Theo đó, hiện mức lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản đã tăng khoảng 0,5%/năm so với hơn hai tháng trước. Nếu tính từ đầu năm đến nay thì lãi suất cho vay đã tăng khoảng 1%/năm.
“Riêng mức lãi suất cho vay với lĩnh vực tiêu dùng hoặc sửa chữa nhà cửa còn cao hơn nữa, hiện ở mức 11,5%-12,5%/năm” - nhân viên trên cho hay.
Theo khảo sát của chúng tôi, mặt bằng lãi suất cho vay mua bất động sản tại một số ngân hàng khác như Techcombank, OCB, SCB… hiện cũng ở mức khoảng 11%-11,2%/năm; cho vay tiêu dùng, sửa chữa nhà cửa 11,5%-12,5%/năm. Một nhân viên của Techcombank thông tin: “Lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay tăng thêm khoảng 0,7%-1%/năm”.
Ngoài ra, hiện nay các ngân hàng công bố lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12/13 tháng, cộng với biên độ khoảng 3,4%-4,5%/năm. Trên thực tế có ngân hàng cho vay lãi suất ưu đãi thấp, chỉ khoảng 7%/năm, nhưng sau khi hết ưu đãi, lãi suất cho vay thả nổi có thể bị đẩy lên đến 12%-13%/năm.
Nhân viên tại Ngân hàng SCB giải thích, một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn so với mặt bằng chung. Tuy vậy, ngân hàng nào càng khuyến mãi nhiều, chiết khấu cao thì sau đó sẽ tìm cách để “lấy lại những gì đã mất”.
“Chẳng hạn họ đẩy biên độ lên tới 4,5%/năm hoặc buộc khách hàng phải sử dụng các dịch vụ như tài khoản giao dịch, giao dịch thanh toán… Như vậy gộp chung các dịch vụ này thì lãi suất thả nổi sau ưu đãi vẫn cao” - nhân viên này dẫn chứng.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay đang tăng lên là do Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng cho vay bất động sản, đồng thời lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này buộc các ngân hàng tăng nhu cầu vốn và để thu hút thêm nguồn vốn thì phải tăng lãi suất huy động, từ đó đẩy lãi suất cho vay lên.
“Để lãi suất không tăng mạnh, ngân hàng cần phải cắt giảm chi phí và ăn lãi chênh lệch ít thôi. Đồng thời cần kiểm soát các cơ cấu tín dụng để tránh nghiêng về một phía. Chẳng hạn không đổ dồn vốn cho vay bất động sản, trong khi đó các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác lại đang thiếu vốn rất nhiều” - ông Phong nhấn mạnh.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận lãi suất huy động tăng, cộng với lãi dự thu vẫn là nỗi ám ảnh lớn của một số ngân hàng thì lãi suất cho vay cũng phải tăng.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay tăng tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của khu vực DN trong nước. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho hay riêng với bất động sản, khi lãi suất cho vay tăng thì cả chủ đầu tư và khách hàng cùng phải trả lãi nhiều hơn. Và như vậy, khách hàng sẽ ngại ngùng không dám vay để mua nhà.
“Lãi suất cho vay tăng khiến khó khăn của DN tăng thêm một thì với người mua nhà khó khăn phải gánh thêm tới 2-3 lần” - ông Đực nói.
Lợi nhuận có xu hướng giảm
Hiện 70% nguồn vốn của rất nhiều DN là vốn vay ngân hàng, thay vì từ thị trường chứng khoán hay từ các kênh khác như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Do đó đa phần DN sẽ chịu tác động trực tiếp nếu lãi suất cho vay có biến động.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm nay, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Hiệu quả sinh lời và lợi nhuận của khối DN phi tài chính đang có xu hướng giảm do các loại phí như chi phí tài chính, chi phí sản xuất, các loại thuế và phí… tăng lên nhanh chóng.
Một số chuyên gia nhận định, các ngân hàng khó có khả năng hạ lãi suất do nợ xấu còn tồn đọng, chưa được giải quyết khiến vốn hiệu dụng của ngân hàng thấp. Do đó, lãi suất là một trong những vấn đề rất lớn trong năm nay của DN.
Khách hàng không nên chỉ nhìn vào lãi suất ưu đãi, mà cần quan tâm đến lãi suất cơ sở và biên độ. Mặt khác, khách hàng cần tính toán lãi suất cho toàn bộ thời gian vay, chứ năm đầu lãi suất thấp sau đó đến các năm tiếp theo thả nổi thì chắc chắn người vay sẽ chịu rủi ro lớn.
Đặc biệt, khi mua bất động sản với mục đích đầu tư, ngoài việc dựa vào túi tiền của mình, khả năng thanh khoản thì cũng cần tính toán nhu cầu thị trường. Bởi hiện nay qua rồi giai đoạn mua bất động sản xong đắp chiếu để đấy chờ giá lên để kiếm lời lớn.
T.S Nguyễn Minh Phong
Theo PLO