Bộ Công Thương dự kiến có ý kiến trình Chính phủ về 2 dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam và nhà máy bột giấy của Công ty TNHH Nhà máy Bột giấy Lee & Man Việt Nam bên bờ sông Hậu tại tỉnh Hậu Giang.
Phê duyệt sai quy định
Hai dự án nhà máy giấy và nhà máy bột giấy do Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài, được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành vào năm 2007.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, 2 dự án được triển khai trên diện tích 270ha, gồm các hạng mục công trình: Nhà máy giấy bao bì cao cấp sản lượng 420.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất bột giấy sản lượng 330.000 tấn, nhà máy nhiệt điện công suất 125 MW, bến cảng quốc tế chuyên dụng với 3 bến bốc dỡ có khả năng tiếp nhận tàu vận tải 20.000 tấn, nhà máy xử lý nước cấp, nhà máy xử lý nước thải.
Về dự án nhà máy giấy, Bộ Công Thương thừa nhận đã đồng ý về mặt chủ trương xây dựng với công suất 420.000 tấn/năm, căn cứ công văn của tỉnh Hậu Giang xin ý kiến Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) vào năm 2007.
Dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tại tỉnh Hậu Giang |
Bộ Công nghiệp thời điểm đó sở dĩ chấp thuận chủ trương vì đáp ứng nhu cầu của thị trường đối với giấy bao bì, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất giấy bao bì là giấy carton đã qua sử dụng, 80% được nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu trong nước. Ngoài ra, vị trí xây dựng nhà máy giấy về cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết cho hoạt động sau này của nhà máy như điện, nước, giao thông, mặt bằng…
Với dự án nhà máy bột giấy, Bộ Công Thương cho biết UBND tỉnh Hậu Giang đã không xin ý kiến của Bộ Công nghiệp trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư là không đúng theo quy định tại Nghị định 108 của Chính phủ. Việc thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Bộ Công nghiệp nhưng trong quá trình triển khai dự án cả 2 nhà máy trên, bộ chưa nhận được hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở của dự án.
“Vì vậy, chủ đầu tư chưa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo thiết kế cơ sở và UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư khi 2 dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở là không đúng với quy định tại Nghị định 16 của Chính phủ” - Bộ Công Thương nêu.
Đánh giá về dự án nhà máy bột giấy, Bộ Công Thương nhận định do khu vực Tây Nam Bộ có địa hình thấp và hệ thống sông ngòi đan xen nên không phù hợp trồng cây nguyên liệu giấy. Quá trình sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ sẽ sử dụng nhiều hóa chất nên dự án nhà máy bột giấy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hậu Giang không cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án.
Có thiếu sót nhưng...
Đối với dự án đầu tư nhà máy sản xuất giấy, mặc dù UBND tỉnh Hậu Giang đã thiếu sót cấp giấy chứng nhận đầu tư khi thiết kế cơ sở của dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng Bộ Công Thương thấy rằng dự án đáp ứng nhu cầu của thị trường, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu cho ngân sách địa phương và góp phần phát triển kinh tế. Quy trình sản xuất giấy bao bì từ giấy loại carton sử dụng hóa chất không đáng kể, chất thải rắn được loại ra trong quá trình tuyển lựa nguyên liệu giấy hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo Bộ Công Thương, dự án đã được chấp thuận về chủ trương và được bổ sung vào “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 của bộ. Dự án cũng được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị sau khi có kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu dự án đáp ứng được các quy định của nhà nước về môi trường thì đề nghị Chính phủ xem xét có thể cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai nhà máy sản xuất giấy.
Cần minh bạch thông tin Ngày 25-7, trong buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội ở ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết dư luận và cơ quan truyền thông lo ngại đến khả năng xả thải ra sông Hậu của dự án sản xuất bột giấy của Lee & Man cũng như 29 nhà máy khác trong ngành thủy sản, sản xuất bia, dược phẩm, sản xuất phân bón…. Quan điểm của VCCI luôn đặt vấn đề môi trường là ưu tiên, cần có giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, minh bạch về thông tin, đồng thời cũng tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư nếu như thỏa mãn các điều kiện của Chính phủ và pháp luật quy định. VCCI đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang rà soát và tổ chức họp báo sớm cung cấp thông tin về dự án trước công luận. |
Theo NLĐ